• 2604 lượt xem
  • 13:20 09/07/2023
  • Xã hội

Rừng buông cạn kiệt, nghề làm đũa ở Bình Thuận sẽ ra sao?

Khi Bác Hồ còn dạy học tại Bình Thuận đã căn dặn bà con Raglai huyện Tánh Linh phải giữ nghề làm đũa buông truyền thống. Nhớ lời căn dặn của Bác đến nay, nhiều cơ sở sản xuất của người dân tại đây vẫn hoạt động đưa ra thị trường sản phẩm đũa từ cây buông an toàn, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay rừng buông tự nhiên tại Bình Thuận cạn kiệt, người làm đũa buông đối diện với thách thức lớn.

Hợp tác xã đũa buông Thái Nguyên là một trong số ít cơ sở tại xã Suối Kiết vẫn giữ nghề truyền thống. Để làm ra những đôi đũa Buông của đồng bào Raglai (Rắc Lây) phải chọn sóng buông già có tuổi đời 50 năm, trải qua các cộng đoạn khác nhau từ cắt gỗ, làm nhám, rồi đánh bóng bằng sáp ong mới hoàn thành các đôi đũa bền đẹp. Đũa từ sóng Buông tự nhiên không sử dụng hóa chất, không bị mối mọt nên rất được thị trường ưa chuộng.

Đũa Buông được ưa chuộng nhưng theo người dân tại Suối Kiết, hiện nay rừng buông tự nhiên cạn kiệt, các cây buông chỉ sống rải rác. Thiếu thốn về nguyên liệu nhiều gia đình bỏ nghề, cả xã chỉ còn 5 gia đình sản xuất đũa truyền thống, hiện nguyên liệu phải nhập từ các nước khác khiến chi phí sản xuất tăng.

Cũng theo người dân mặc dù UBND tỉnh Bình Thuận rất quan tâm, cấp cho hợp tác xã Thái Nguyên 1.000 ha đất để trồng buông giữ nghề truyền thống nhưng cây buông khó trồng, ươm cây không mọc. Chính vì vậy, hiện tại các cơ sở phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu nguồn nguyên liệu nhập gặp vấn đề thì việc giữ nghề là rất khó.

Trồng đã khó, muốn khai thác cũng phải chờ 50 năm, do vậy việc giữ nghề làm đũa buông truyền thống đang đối mặt với thách thức vô cùng lớn. 

Lê Trang – Triệu Nguyễn