Bếp lửa - linh hồn của nhà dài Ê Đê

Từ xa xưa, bếp lửa gắn chặt với đời sống hàng ngày và đời sống tâm linh của đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê nói riêng. Với họ, linh hồn của ngôi nhà dài chính là bếp lửa. Do vậy, dù cuộc sống thời nay đã nhiều thay đổi, nhưng gia đình, cộng đồng buôn làng bốn mùa vẫn giữ hơi ấm của ngọn lửa trong ngôi nhà.

Trong ngôi nhà dài có tuổi đời hơn 35 năm của nhà bà H Loi Byă, gian bếp này đã nuôi lớn nhiều thế hệ trong gia đình. Bếp lửa của người Ê Đê thiết kế theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, được nén một lớp đất dày ngăn cách nhiệt với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn. Sau đó, đặt vật kê để nấu nướng.

Bếp lửa là nơi gia đình sum họp hàng ngày, chia sẻ những buồn vui bàn chuyện làm ăn, chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái. Trên gác bếp là các thanh cây bắc ngang, thường treo những quả bầu khô đựng nước hay hạt giống, dụng cụ đi rừng, làm rẫy. Theo người Ê Đê, ngoài việc làm chín thức ăn, tránh thú dữ, sưởi ấm… ngọn lửa là năng lượng của sự sống, nơi bắt đầu một ngày mới, kết nối tình yêu thương.

Khách đến thăm nhà của đồng bào Ê Đê thường được gia chủ nhóm lửa, tiếp đãi tại không gian bếp. Đặc biệt, nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Ê Đê như: Canh bột lá yao, canh cà đắng, thịt nướng phải nấu trên bếp lửa mới có mùi thơm ngon đặc trưng. Bên bếp lửa bập bùng, mọi người cùng thưởng thức những món ăn truyền thống, kể chuyện, nói cười rộn rã, nơi gắn kết tình thân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Liên -

Việt Bảo