Nhịp chiêng Jho bên dòng sông Krông Ana

Đối với đồng bào Ê Đê, thông thường chỉ có nam giới được đánh chiêng. Tuy nhiên, ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana lại có một đội chiêng nữ của người Ê Đê Bih, một nhánh của dân tộc Ê Đê. Bên dòng sông Krông Ana thơ mộng, bao đời nay, tiếng chiêng nữ vẫn được duy trì như mạch nguồn chảy mãi của buôn làng.

Với 3 cặp gồm chiêng mẹ, chiêng cha và chiêng con, dàn chiêng Jhô của đội chiêng nữ dân tộc Ê Đê Bih ví như một gia đình đầy đủ. Trống Hgơr sẽ giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng, 3 cặp chiêng tạo ra hợp âm dịu dàng, nhẹ nhàng mang nét đặc trưng riêng. Khi diễn tấu, đội chiêng nữ di chuyển vòng tròn.

Hiện đội chiêng nữ Jhô có 4 nhóm tuổi, lớn tuổi nhất là hơn 80 tuổi và nhỏ nhất là 6 tuổi. Để giữ nhịp chiêng Jhô, các chị em phải đi đến từng gia đình trong buôn động viên các em gái dân tộc Ê Đê Bih để truyền dạy đánh chiêng Jhô và học đánh Hgơr.         

Với người Ê Đê Bih, chiêng Jhô là một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống, trước đây, nó đi liền với sinh hoạt, lễ hội và xuất hiện trong cả đám tang. Giai điệu của chiêng lúc dồn dập, lúc nhẹ nhàng… thể hiện được nhịp sống của con người Tây Nguyên trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Chiêng Jhô không chỉ là tài sản quý giá, mà còn góp phần chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của người Ê Đê Bih.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!