Khấn thuê, lễ mướn, mê tín dị đoan - Những câu chuyện nhiều năm vẫn mới

Hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng,... Năm nay, tại các lễ hội mặc dù đã bớt tình trạng chen lấn; hạn chế những hoạt động, nghi lễ phản cảm, nhưng nhiều nơi vẫn tồn tại một số bất cập, vấn đề phát sinh trong công tác tổ chức, quản lý,… lễ hội. Ghi nhận của PV THQHVN!

Lễ hội cầu trâu, tục hiến sinh, chém lợn với các hành vi bạo lực, phản cảm ở nhiều địa phương những năm qua luôn là vấn đề gây tranh cãi. Xảy ra với mật độ thường xuyên hơn là hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy nhau để giành lộc đầu năm, gây mất an ninh trật tự.

Lễ hội Đả cầu, cướp phết xã Bàn Giản huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc năm nay, mặc dù tình trạng chen lấn, xô đẩy không xảy ra, tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng lễ hội, ngang nhiên tổ chức đánh bạc trá hình. Những đồng polime được tung ra liên tục. Mỗi lần có thể lên đến cả vài triệu đồng.

Nan giải nhất vẫn là tình trạng dâng nhiều đồ lễ đắt tiền, đốt lượng lớn vàng mã tại các di tích, đền, phủ không chỉ gây lãng phí, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Năm nay, dịch vụ nổi bật và được ưa chuộng nhất tại đền Bà Chùa Kho chính là thuê người khấn hộ. Dù ngay trước cửa đền đã treo tấm biển như thế này, nhưng lợi dụng tâm lý người dân đi dâng lễ đầu năm ít mặc cả. Các giao dịch thuê cò sắm lễ, khấn vái được chốt rất nhanh với đủ loại mức giá lên đến hàng triệu đồng.

Theo các chuyên gia, mặc dù lễ hội là của người dân, được cộng đồng lưu giữ nhưng cũng không thể phó mặc tất cả cho cộng đồng. Song các nhà quản lý, giới chuyên môn cần đẩy mạnh những khuyến nghị, tuyên truyền cụ thể để người dân hiểu và thực hành đúng. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần có những chế tài nghiêm khắc để đảm bảo trật tự an ninh trong các lễ hội.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang -

Thế Anh -

Công Kiên