Kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, bảo tồn nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn lợi dụng phong tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian, thực hiện hành vi “buôn thần bán thánh” nhằm trục lợi. Hoạt động này càng trở nên khó kiểm soát nhất vào thời điểm đầu xuân, khi nhiều lễ hội diễn ra đồng loạt trong thời gian dài với lượng lớn du khách thập phương tham gia.

Tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) xuất hiện tình trạng người dân trà trộn vào di tích có hành vi biến tướng tín ngưỡng, lợi dụng việc "nhập thánh" và niềm tin của nhân dân để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục. 

Một số người còn tổ chức hầu đồng ở khu vực công cộng không đúng không gian tâm linh; sử dụng nhiều tiền, vàng mã và đồ lễ giá trị cao để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng.

Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản cá nhân tự xưng là “cô, cậu, thầy” đăng tải nội dung chia sẻ về chủ đề Vận hạn năm mới, xem tử vi, xem bói, bán bùa giải hạn, bùa cầu duyên,… Không ít người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tâm linh này.

Theo chuyên gia, nhận thức của công chúng và một bộ phận cán bộ về Di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn hạn chế; hành lang pháp lý hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động thực hành di sản còn thiếu và chưa cụ thể.

Mỗi người dân cần phân biệt giữa tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội; chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Cộng thêm sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng. Điều này sẽ góp phần tôn vinh giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang -

Thế Anh -

Công Kiên