Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, người lao động khốn đốn

Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ đóng Bảo hiểm xã hội khiến gần 500 người lao động ròng rã 7 năm đi đòi quyền lợi. Câu chuyện này đã trở thành một ví dụ điển hình về tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài dai dẳng.

Mặc dù vừa qua, đơn vị này đã trả hết số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động; song, những hệ lụy thì vẫn còn đó. Và đến nay, vẫn còn hơn 50 người lao động bị nợ lương trong thời gian chờ việc, chưa được chấm dứt hợp đồng lao động. Vừa vật lộn mưu sinh, họ vừa nuôi hy vọng tiếp tục hành trình đòi lại quyền lợi chính đáng. 

Số giấy tờ này là tất cả những gì chị Huyền tích lũy được sau 7 năm ròng rã đi đòi quyền lợi BHXH cho hàng trăm người lao động. Công sức ấy cũng đã được đền đền đáp khi vừa qua, gần 500 công nhân của nhà máy đã được giải quyết nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2017. Tuy nhiên, hôm nay chị vẫn tiếp tục lần dở lại những giấy tờ này để tiếp tục đòi lại 9 tháng lương cho hơn 50 người lao động bị nợ trong thời gian công ty ra thông báo chờ việc, từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2017.

Chưa nhận được số tiền lương trong thời gian chờ việc, đồng nghĩa không được chấm dứt hợp đồng lao động; cũng vì thế dù có tay nghề thì anh Hậu cũng chẳng thể xin được công việc mới. Trong thời gian chờ tín hiệu giải quyết từ công ty, anh Hậu đành chạy xe ôm để phụ vợ lo chi phí thuê nhà trọ và nuôi 3 nhỏ.      

Còn với bà Dung, ở tuổi 61 nếu như gần 10 năm qua không bị công ty nợ BHXH, nợ lương…  có lẽ bà đã có một công việc và thu nhập ổn định cho đến khi về hưu. Hoàn cảnh khó khăn nên đến nay bà vẫn là lao động chính của gia đình.

Do chưa chấm dứt hợp đồng lao động với công ty nên đa số lao động phải làm công việc tự do, làm thuê theo thời vụ để có tiền trang trải cuộc sống. Thu nhập bấp bênh, cũng vì thế 9 tháng lương bị công ty nợ tương đương hơn 30 triệu đồng/người - chính là một khoản tiền lớn. Không những thế việc công ty nợ đóng BHXH kéo dài khiến những quyền lợi về BHYT, BH thất nghiệp, chế độ thai sản, tử tuất của người lao động đều bị thiệt thòi.

Như Thảo -

Tùng Dương