Cụm tiêu điểm: Vướng mắc trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Xoá bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050 là mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng nhìn vào thực tế, sau một thời gian tăng trưởng nóng, các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã và đang có dấu hiệu chững lại do một số vướng mắc về cơ chế giá, hạ tầng lưới điện cũng chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu phát triển nguồn điện này.

Ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, có thể khai thác khoảng 100 GW. Điện mặt trời cũng là lợi thế khi Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam.

Tiềm năng là rất lớn, nhưng hạ tầng lưới điện là một thách thức được đặt ra khi đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Có một thực tế là, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời khi đi vào hoạt động gặp không ít khó khăn do hệ thống lưới điện truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án điện. Nhiều dự án phải giảm phát tới 30 - 40%, thậm chí hơn 60% công suất.

Hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo của Việt Nam trung bình đạt khoảng 15%, như vậy theo lộ trình của Quy hoạch điện VIII vừa được thông qua, đến năm 2030, tức là 7 năm nữa con số này sẽ phải tăng gấp đôi, để đạt được mục tiêu là 30,9 - 39,2%. Nếu hạ tầng không đáp ứng kịp với sự tăng trưởng của nguồn điện này, con số thiệt hại và lãng phí đối với nhà nước, doanh nghiệp sẽ vô cùng lớn.

Cùng bàn luận về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam với ông HÀ ĐĂNG SƠN - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Tăng trưởng xanh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!