Tiêu điểm: Cải cách tiền lương đảm bảo an sinh xã hội

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến hết tháng 6/2022, cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc. Cụ thể, viên chức là trên 35.000 người, công chức là hơn 4.000 người. Trong đó, số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành Giáo dục và Y tế với số lượng lần lượt là trên 16.000 và trên 12.000 người.

Việc "công chức rời bỏ bộ máy công" là thực trạng đáng báo động, khi mà chính sách tiền lương của những đối tượng này không đảm bảo cho cuộc sống, bởi vật giá càng ngày càng leo thang. Vì vậy, cải cách tiền lương là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo đời sống của những đối tượng này.

Theo báo cáo, từ tháng 7/2022 đến hết tháng 6/2023, cả nước có gần 19.000 công chức, viên chức nghỉ việc. Theo các chuyên gia, mức lương của Việt Nam hiện nay quá thấp so với khu vực. Cụ thể, một Sinh viên ra trường đi làm có hệ số lương 2,34 tức là chưa đến 3 triệu 500 nghìn đồng. Lương trung bình của công chức khoảng 10 triệu đồng. Trong khi, Thái Lan: < 56 triệu đồng, Malaysia: 29 triệu đồng, Campuchia: 17 triệu đồng.

Ngày 10/11/2023 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, với 94,33% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; đồng thời thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1-7-2024. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng 5 bảng lương mới gồm: 1 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo từ trung ương tới cấp xã, 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ; 3 bảng lương của lực lượng vũ trang; xác định 9 loại phụ cấp được hưởng. Tuy nhiên, để có thể đánh giá đúng vị trí việc làm và chất lượng, hiệu quả công việc để có mức lương tương xứng, cần rà soát và đánh giá đúng từ địa phương và cơ chế của Trung ương cho từng vị trí theo thang bảng lương mà Bộ Nội vụ đưa ra./. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phạm Cường -

Thế Anh