• 1380 lượt xem
  • 19:55 19/10/2023
  • Xã hội

Tảo hôn - Then cửa đóng giấc mơ của trẻ em vùng đồng bào dân tộc

Kết hôn, nên vợ thành chồng khi chưa kịp dứt tiếng cười của tuổi thơ...sau đó, nhanh chóng chia tay, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân và xã hội. Đó chính là những gì mà vấn nạn tảo hôn đi qua và để lại vết hằn cho nhiều mái ấm của bà con đồng bào. Vì nhiều lý do mà tảo hôn vẫn tồn tại, đồng nghĩa với đó là những tương lai bị tước đoạt song gần như không có bất cứ sự chống cự nào...

16 tuổi lấy chồng, vài năm trước đây so với người đồng bào Ê Đê tại buôn Dhung, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar không phải là quá sớm nhưng sau khi sinh được 2 đứa con, chị H’ Đô Ayun (Hờ Đô A Giun) mới nhận ra sai lầm của mình. Trái ngược với ảo tưởng về một mái ấm chỉ có màu hồng là sự vất vả, thiếu thốn khi cả 2 vợ chồng đều đang trong độ tuổi chưa phát triển hết về tâm sinh lý. Chia tay là tất cả những gì còn lại ở cuộc hôn nhân này.

Ngày H’ Mai Kbuôr đi lấy chồng ở độ tuổi 17, cả nhà can ngăn. Cô giáo ở trường cũng can ngăn vì em chăm ngoan lại học rất tốt...Lấy chồng sớm, việc học hành kiếm con chữ bị dừng, cuộc sống quanh quẩn bên căn tạp hóa nhỏ và những việc lặt vặt phụ giúp gia đình.

Quan niệm lấy chồng, lấy vợ sớm cho con để ổn định cuộc sống, gia đình lại có thêm nguồn lao động của đồng bào Ê Đê đã đỡ hơn trước đây. Tuy nhiên, tảo hôn vẫn là một phong tục lạc hậu ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến vô vàn những hệ lụy. Tương lai của nhiều cặp vợ chồng trẻ, những đứa trẻ gần như bị bỏ ngỏ sau thứ gọi là lễ thành hôn.

Cả H’ Đô và H’Mai đều lấy chồng sớm. Một người đang tạm hài lòng với cuộc sống của mình, 1 người phải tìm hạnh phúc khác. Những mảnh đời tươi sáng bị ghì chặt tương lai vì tảo hôn vẫn còn không ít tại các thôn buôn vùng sâu. Tảo hôn như cái then cửa đóng lại giấc mơ của trẻ thơ mà ở đó chỉ còn lại những sự đổ vỡ...dang dở và tiếc nuối.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Lê Huy -

Djuang Niê -

Đức Hưng