Tương lai mù mịt của những người mẹ tảo hôn

Mặc dù đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng nhiều cô cậu học trò ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã rời xa mái trường để lấy vợ lấy chồng. Nỗi buồn, sự nuối tiếc, thậm chí là ân hận của những người trong cuộc khi kết hôn chưa đủ tuổi. Tình trạng tảo hôn vẫn còn tiếp diễn ở vùng cao Sơn La, để lại những hệ lụy buồn như lời ru của những bà mẹ đang ở lứa tuổi học trò.

Năm ngoái, đang học dở chừng năm lớp 9, Phúc đã bỏ học để đi lấy chồng. Những giấy khen trên tường nhà khẳng định Phúc là một học sinh ngoan, học giỏi. Hơn 1 năm lấy chồng, nhưng chồng đi làm ăn xa, Phúc vẫn ở trong căn nhà cũ nát với mẹ. Tương lai phía trước của Phúc và đứa nhỏ trong bụng khá mù mịt khi cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám.

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng cô gái này đã là mẹ của 2 đứa con. Cái quan niệm con gái người Mông lấy chồng khi 16, 17 tuổi là muộn, dường như đã ngấm sâu vào tiềm thức của những đứa trẻ vùng cao, để rồi bỏ lại những trang sách dở dang, bỏ lại những ngày tháng vô tư, hồn nhiên cùng thầy cô, bè bạn.

Cô gái này đã “tằng cẩu” từ năm ngoái khi đang là học sinh lớp 8. Đeo “tằng cẩu” là phong tục phổ biến của người dân tộc Thái để khẳng định và nhận biết một người phụ nữ đã có chồng. Giờ đây, lời tư vấn của cán bộ y tế, dân số cũng chỉ là khuyên bảo cô biết chăm lo sức khỏe thai nhi.

Năm vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La có gần 700 trường hợp tảo hôn. Mặc dù công tác tuyên truyền vẫn được triển khai thường xuyên tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn và đang có chiều hướng gia tăng. Đây là vấn đề không dễ giải quyết trong 1 sớm, 1 chiều.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Sơn Nam