Sửa Luật Lưu trữ hướng tới xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ

Trong sáng nay (18/9), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Quy định về hoạt động lưu trữ tư là chính sách mới được Chính phủ bổ sung vào dự thảo luật lần này và cũng là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Với mục tiêu phát triển lưu trữ tư, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã quy định rõ nguyên tắc của hoạt động lưu trữ tư; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; các hoạt động lưu trữ tư; mua bán, trao đổi, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt. Các quy định nêu trên nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định hoạt động lưu trữ tư phù hợp, bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lưu trữ tư là hoạt động rất quan trọng, cần được thể chế hoá trong Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này. Chủ tịch Quốc hội lo ngại, với việc quy định tài liệu lưu trữ tư nhân chỉ điều chỉnh đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt sẽ thu hẹp đối tượng áp dụng so với yêu cầu định hướng xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.

Kết luận, Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời làm rõ hơn theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lưu trữ tư trong luật. Cho biết, dự thảo luật sau khi tiếp thu ý kiến Thường vụ tại phiên họp thì đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Dương Dung -

Anh Đức -

Đức Minh