Sửa Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động

Cả nước hiện có khoảng 8-9 triệu người không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Đây là một con số rất lớn so với tỉ trọng dân số của nước ta và có chiều hướng gia tăng. Vì thế, một câu hỏi đặt ra là làm sao để sửa đổi luật bảo hiểm lần này có thể mở rộng đối tượng tham gia cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đây là nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức chiều 31/8 tại Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban chủ trì hội thảo. 

Lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội này có nhiều điểm mới. Dự kiến, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách đảm bảo (thay vì 80 tuổi như trước đây). Đối với sự thay đổi này, dự kiến sẽ có thêm khoảng 800.000 người được hưởng BHXH. Đồng thời bổ sung quy định liên kết tầng, tức người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng.

Đối với người lao động có thời gian đóng dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ cao hơn, không thay đổi so với hiện hành. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến bổ sung vào quy định nhằm hạn chế và xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Một số ý kiến cho rằng cũng cần chú ý đến trường hợp người lao động làm những công việc được trả công theo giờ, hoặc các doanh nghiệp tuyên bố phá sản, không trả nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Mỹ Phượng -

Lê Quang