Sau hơn 35 năm Đổi mới: Vẫn chờ... tác phẩm văn học đỉnh cao

Những thành tựu văn học, nghệ thuật đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Các tác phẩm chưa phản ánh đầy đủ,toàn diện, sinh động thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung, nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận là những thành tựu văn học, nghệ thuật đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Các tác phẩm chưa phản ánh đầy đủ,toàn diện, sinh động thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Chưa thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, lòng tự hào dân tộc. Còn ít tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

Gian sách văn học nghệ thuật tại nhà sách Cá Chép, trên đường Nguyễn Thái Học, quận Ba Bình, thành phố Hà Nội. Tại đây, sách không được phân rõ ra từng thời kỳ, tuy nhiên nếu quan sát kỹ để tìm sách chủ yếu là những cuốn sách văn học giai đoạn 1930 -1945, thời kỳ đươc coi là rực rỡ. Trong giai đoạn văn học đổi mới, đã xuất hiện một vài tác phẩm xuất sắc như : Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, mảnh đất lắm người nhiều ma cùng với những truyện ngắn gây tiếng vang của Nguyễn Huy Thiệp... Nhưng sau đó các tác phẩm dần vắng bóng.

Anh Đức Anh - Phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: Thời điểm cách đây khoảng 5 năm, lâu lắm không tạt qua một nhà sách nào cả vì cuộc sống có nhiều chi phối. Nói về sách văn học thì từ trước tới nay, người trẻ đa phần tiếp cận qua sách giáo khoa ở trường. Mà những đầu sách đấy thì thường là của những tác giả rất lâu rồi. Còn những tác giả gần đây thì đa phần mọi người không biết tới. Mình nghĩ là ra truyền thông chưa tới được với các bạn trẻ. Mình thấy gần đây đa phần các bạn trẻ tìm đọc những đầu sách xưa được làm lại bìa bắt mắt. Còn văn học mới giờ khó.

Hiện tại tôi đang có mặt tại nhà sách Cá Chép trên phố Nguyễn Thái Học của thủ đô Hà Nội. Mối quan tâm của tôi lúc này là khu vực trưng bày sách văn học nghệ thuật Việt Nam cũng như là văn học nước ngoài. Theo như quan sát, thì tại đây các đầu sách khá là phong phú, màu sắc đẹp và bắt mắt. Tuy nhiên, chủ yếu là những sách giai đoạn trước đó và những sách từ giai đoạn 1986 đến năm 2016. Và thật khó để tìm được những cuốn sách hay được xem là kinh điển của Văn học nước ngoài như cuốn “Tiếng gọi nơi hoang dã” hay “Những cánh buồm đỏ thắm”…

Theo các chuyên gia, hiện một số tác phẩm rất khó khăn, thiếu sự cởi mở trong việc xuất bản. Tác phẩm muốn ra đời có khi phải gửi sang một số cơ sở bên nước ngoài. Những tác phẩm như thế không được các nhà xuất bản chính thống đón nhận và công bố. Cùng với đó là phải kể đến tài năng của các nhà văn để tạo ra những tác phẩm lớn.Các chuyên gia cho rằng, hiện nay bối cảnh tốt hơn, kinh tế phát triển hơn nhưng chưa thực sự có một điều kiện đủ cởi mở để khai phóng và cho phép tất cả nhưng người sáng tạo thể hiện toàn bộ tài năng và sức vóc của mình.

PGS.TS, Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá - Giảng viên khoa Viết văn báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội: Cần phải suy nghĩ lắng đọng rằng khái niệm đỉnh cao là khái niệm mang tính lịch sử. Thời này có đỉnh cao của thời này. Thời khác có đỉnh cao của thời khác. Và đương nhiên nền văn học nghệ thuật nói chung phải đạt tới những giá trị mà người ta gọi là giá trị cổ điển. Thế thì quả thật là xét theo tiêu chí giá trị cổ điển, mẫu mực thì đúng là thời nay đang còn khiêm tốn thật. Chúng ta cũng phải chờ đợi vì văn học nghệ thuật chắc chắn sẽ có những thì của nó. Tức là mùa màng của nó. Nên ở đây phải hiểu được lao động nghệ thuật vốn là rất phức tạp, đầy thử thách, khó khăn. Chúng ta được quyền hy vọng.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều -  Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam: Những nhà văn hiện nay viết đôi khi họ chỉ bày tỏ một vấn đề, một cảm xúc. Để một nhà văn mà cầm bút và chìm đắm trong suy tưởng hàng ngày hàng giờ cho một tác phẩm văn chương thì có vẻ ít hơn. Họ không coi văn chương như một nghề đặc biệt mà họ chỉ bày tỏ thái độ của họ hay cảm hứng. Các nhà văn trước kia khác hơn, rằng họ bước vào văn chương và họ nhận thấy sứ mệnh lớn lao phải ngồi xuống, phải cầm bút, phải làm điều gì đó trọng đại cho bạn đọc và cho đời sống của họ. Hai nữa, thời đại mở cửa, tự do rất mở rộng và tất cả các nguồn thông tin làm cho người ta không tập trung cao độ nhất và ảnh hưởng cho nội lực sáng tạo.

Theo các chuyên gia, để có được một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao thì phụ thuộc vào rât nhiều yếu tố, tài năng của nghệ sỹ, hoàn cảnh thuận lợi, có những cơ chế, chính sách tao điều kiện cho sự sáng tạo. Trong một thời gian dài, đào tạo nghệ thuật của nước ta chưa chọn được những người có thể đảm đương được trách nhiệm tạo ra những tác phẩm có tiếng vang, đáp ứng được mong đợi. Chính vì thế, cần có những giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng cho các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật. Cùng với đó cần có một cơ chế chính sách để kích thích tài năng sáng tạo và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tập trung hơn nữa, ra những tác phẩm mang tính thời đại.

PGS.TS Bùi hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Có một quy luật của văn hóa nghệ thuật, tức là chúng ta cần có một thời gian nhất định để ta có thể “ trưng cất “ được các tinh hoa văn hóa cũng như tinh hoa trong tác phẩm văn học nghệ thuật. Các bài học trong lịch sử cũng thấy rằng thậm chí những người trong chính thời đại đó cũng không nhận thấy được những tác phẩm xung quanh mình là tác phẩm nổi tiếng, nó là những dấu ấn của thời đại. Phải xem xét trong bối cảnh hiện nay để có một cái nhìn toàn diện hơn về những tác phẩm. Như vậy hãy để cho thời gian lắng đọng, kết tinh những giá trị trong văn hóa nghệ thuật.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi nghĩ là để có một tác phẩm văn học đỉnh cao thì trước hết là những người sáng tạo phải thực sự là có tâm huyết, có một trí tuệ, một kinh nghiệm sống và đặc biệt là phải có một tấm lòng yêu nhân dân, yêu dân tộc. Có thể nói là văn học nghệ thuật đỉnh cao là những văn học nghệ thuật mà tạo cho con người một lối sống chân thiện mỹ, giúp cho con người yêu và sống có trách nhiệm với quê hương đất nước.

Mời Quí khán giả theo dõi phóng sự tại video!