Nông nghiệp Việt Nam: Triển khai dòng vốn cho ngành thủy sản

6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản cả nước đạt 4,27 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,13 tỷ USD, giảm tới 27%. Nhiều người nuôi tôm, cá tra đã tạm dừng sản xuất… Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì được 30 – 40% công suất, cá biệt có cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay cần sự nỗ lực không hề nhỏ. Và nhu cầu vốn tiếp tục trở nên cấp thiết với các ngành thuỷ sản những tháng cuối năm.

Xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp ít đơn hàng cũng ảnh hưởng đến hoạt động thu mua các loại thuỷ sản từ hộ nuôi trồng. Khảo sát thị trường cho thấy, hiện giá tôm thu mua đã sụt giảm, như ở Cà Mau giá tôm thẻ chân trắng quý 2 giảm từ 18 – 49 nghìn đồng/kg so với đầu năm, hay ở Tiền Giang giá bình quân tôm thẻ chân trắng cũng đang giảm từ 30 nghìn – 60 nghìn/kg so với tháng trước. Giá bán giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi chỉ biết trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng để duy trì sản xuất. 

Khó khăn của ngành thuỷ sản trong nước do nhiều tác động từ thị trường thế giới. Hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh từ đầu năm tới nay. Thị trường Mỹ giảm mạnh nhất với hơn 50% so với cùng kỳ; EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Từ giờ đến cuối năm, các chuyên gia cho biết thị trường các nước sẽ phục hồi nhẹ trong từng thời điểm. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng cần nỗ lực nhiều hơn để thu hút sự chú ý của thị trường nước ngoài.

Dù thị trường dự báo có tín hiệu cải thiện nhưng vẫn tồn tại thách thức trong nửa cuối năm là cạnh tranh về giá thành, nguồn nguyên liệu. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam VASEP nhìn nhận gì về khó khăn hiện nay, nhất là vốn đảm bảo sản xuất, cùng lắng nghe kết nối trực tiếp với ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hà Lan