Những tiến triển tích cực và những khó khăn trong đàm phán COC

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, một loạt các nỗ lực đã được xúc tiến để thúc đẩy đạt được COC càng sớm càng tốt. Dù vậy theo CNN, trước những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông, đã có những ý kiến từ Philippines đề cập tới việc nước này nên cân nhắc có tiếp tục với COC hay không.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cân nhắc khả năng bước ra khỏi đàm phán cũng là một cách thu hút sự chú ý để nhắc nhở các bên về việc thực hiện quá trình đàm phán này một cách nghiêm túc hơn. Không thể phủ nhận COC vẫn là cách duy nhất để khu vực đối thoại với Trung Quốc trong vấn đề này. 

NHỮNG TIẾN TRIỂN TÍCH CỰC…

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 2 năm nay, các thành viên ASEAN cam kết hướng tới việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên biển Đông, với việc tổ chức thêm nhiều cuộc họp. Indonesia kêu gọi khai thác “cách tiếp cận mới” để mang lại tiến triển cho COC.

Tháng 5 vừa qua, Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông diễn ra tại Hạ Long đã ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC và trao đổi các định hướng cho tiến trình đàm phán COC do Nhóm Công tác về DOC thực hiện. Các nước tiếp tục nhấn mạnh cần đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, góp phần xây dựng lòng tin, tin cậy, quản lý hiệu quả hơn các sự cố trên biển Đông.

Tháng 7 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56, tại Hội nghị ASEAN - Trung Quốc, các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, theo đó ASEAN và Trung Quốc đã đạt được những cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương với việc hoàn tất Hướng dẫn đẩy nhanh đàm phán COC hiệu quả và thực chất, cũng như dự thảo lần hai Văn bản đàm phán COC duy nhất. Trung Quốc hoan nghênh việc hoàn thành dự thảo lần hai COC và sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong quá trình đàm phán.

Dù có những tiến triển, hiện dự thảo vẫn đang bị “mắc kẹt” vì một số điểm nghẽn, chủ yếu là do khác biệt giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực trong cách nhìn nhận về COC.

NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN GIẢI QUYẾT

Tính pháp lý được cho là thách thức đầu tiên và lớn nhất mà các bên cần nỗ lực hơn nữa. Trong khi các nước ASEAN mong muốn COC có tính ràng buộc pháp lý, góp phần tích cực vào giải quyết bất đồng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông thì Trung Quốc lại có quan điểm khác. Với Trung Quốc, COC chỉ có thể là một công cụ không mang tính ràng buộc về pháp lý, được sử dụng để cải thiện lòng tin khu vực hơn là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Thứ hai là phạm vi địa lý áp dụng: Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc năm 2002, ASEAN và Trung Quốc không thông qua được COC mà chỉ thông qua DOC. Dự kiến, đây tiếp tục là vấn đề cần bàn luận nhiều giữa ASEAN và Trung Quốc.

Thứ ba là vấn đề vai trò và giá trị của UNCLOS 1982 trong COC: Trong khi ASEAN khẳng định UNCLOS là nền tảng cho COC và điều chỉnh mọi hành vi trên biển thì đối với Trung Quốc, nước này duy trì quan điểm là UNCLOS lại không điều chỉnh triệt để mọi vấn đề trên biển, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền lịch sử.

Tiếp đó, các bên chưa thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Vì những khác biệt này mà phần lớn các nhà quan sát nhận định: khó có khả năng COC sẽ sớm được thông qua. Tuy nhiên, các chuyên gia đều ủng hộ các nỗ lực theo đuổi đàm phán, cần phải duy trì như một cơ chế xây dựng lòng tin, ngăn ngừa căng thẳng bùng phát.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam