Những người đi “săn” cổ vật giữ hồn văn hóa Tây Nguyên

Di sản Tây Nguyên hiện đang từng bước được nhận diện, bảo tồn và phát huy dưới nhiều hình thức. Trong đó, phải kể đến công sức của những nhà sưu tầm hiện vật cổ. Giữa bộn bề cuộc sống, có những người sưu tầm vẫn đam mê, cần mẫn… hàng ngày đi “săn” cổ vật, với mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Trên 20.000 hiện vật cổ của đồng bào Tây Nguyên được nhà sưu tầm Nguyễn Tử Xuyên tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lưu giữ qua hơn 30 năm sưu tầm. Trong số các hiện vật, Ông Xuyên đang sở hữu hơn 500 chiếc ché, có những loại ché quý mà trước đây phải đổi bằng cả một con trâu. Riêng về chiêng, ông đã sưu tập được gần 50 bộ hoàn chỉnh.

Ông NGUYỄN TỬ XUYÊN - TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: “Tôi không phải đồng bào, vợ tôi cũng là người Kinh. Nhưng tôi có đam mê văn hóa bản địa. Tôi muốn truyền đam mê này đến đồng bào và cả người Kinh.”

Còn bảo tàng Ngôi Nhà Choé Đại Ngàn chính là kết quả của 10 năm sưu tầm và lưu giữ hiện vật cổ của anh Võ Minh Luân. Nơi đây lưu giữ hơn 10.000 hiện vật là các tác phẩm nghệ thuật mang đậm văn hóa của đồng bào Tây Nguyên xưa được anh mang về từ nhiều nơi trên thế giới. Có những hiện vật có niên đại hàng trăm năm.

Anh VÕ MINH LUÂN - TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: “Đây là chiếc chóe tôi sưu tầm được ở huyện Lắk của đồng bào Ê đê. Trước đây gia đình họ là một trong những gia đình quyền quý, cai quản cả một vùng ở Lắk. Chiếc chóe này đã có từ lâu đời và con cháu họ không sử dụng nữa nên gia đình tặng để tôi trưng bày tại đây.”

Tây Nguyên chứa đựng nhiều trầm tích, các hiện vật, cổ vật mang giá trị lịch sử, văn hóa. Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk hiện đang lưu giữ khoảng 9.600 hiện vật; trong đó có hơn 2.000 hiện vật văn hóa của các dân tộc thiểu số. Các hiện vật đã phần nào cung cấp cho người xem giá trị lịch sử, văn hóa của đồng bào các dân tộc từ thời kỳ đồ đá đến nay.

Ông ĐINH MỘT - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk: “Chúng tôi tổ chức đưa di sản văn hóa đến với các tỉnh thành khác. Ví dụ tổ chức trưng bày ở Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau… có thể là trưng bày cồng chiêng, văn hóa các dân tộc, nhạc cụ… ”

Hiện nhiều buôn làng Tây Nguyên đang “vơi” dần đi những hiện vật quý giá như: ché cổ, cồng chiêng, trống, trang phục thổ cẩm, đồ trang sức bằng kim loại quý. Do đó, các kho tàng hiện vật cổ chính là cầu nối lưu giữ và quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử của đồng bào Tây Nguyên đến gần với du khách trong và ngoài nước./.
 

Kim Liên