Điểm báo sáng 04/11: Thêm áp lực cho chính sách tiền tệ

Thêm áp lực cho chính sách tiền tệ; Lấp “lỗ hổng” hạ tầng thương mại điện tử; Bảo hiểm xã hội “chặn nợ mới, giảm nợ cũ”; Sử dụng “hoá học xanh” để phát triển công nghiệp bền vững... là những nội dung đáng chú ý có trong điểm báo sáng 04/11.

THÊM ÁP LỰC CHO CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị đưa tin động thái CụcDự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát sẽ gây áp lực tới tỷ giá, làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, theo kế hoạch và đánh giá hiện tại của Mỹ, FED cần phải tăng lãi suất chính sách lên vùng xoay quanh 4,4% trong khi mức lãi suất hiện nay là 3,75 - 4%, nghĩa là có thể còn phải tăng thêm 0,5% nữa từ nay đến cuối năm trong kỳ họp giữa tháng 12 của FED. Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước đã tăng lãi suất 0,75% khi cố gắng kiềm chế lạm phát “nóng”. Theo ý kiến của các chuyên gia, trong tình hình này, chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỷ giá hợp lý, lãi suất. Về phía Bộ Tài chính cần có chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Đồng thời rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp người dân, DN tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm...

LẤP “LỖ HỔNG” HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường thương mại điện tử của Việt nam cần được xây dựng nền tảng hoàn thiện vững chắc, lấp các “lỗ hổng” để bứt phá hơn nữa, từ đó thúc đẩy phục hồi tăng trưởng nền kinh tế. Bài viết đăng tải trên báo Đại đoàn kết.

Năm 2022, kinh tế internet của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thương mại điện tử phát triển bền vững, vấn đề hoàn thiện chính sách vấn cần được quan tâm. Để phát triển thị trường TMĐT, mới đây nhất Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT. Các chuyên gia cho rằng trong hoạt động thuế thì quan trọng nhất là chứng từ, đơn hàng mà các sàn TMĐT đã bán. Hiện, vẫn thiếu cơ chế để xác nhận chứng từ điện tử để để khớp giữa đầu vào và đầu ra. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp kê khai thuế gặp khó khăn trong việc chứng minh. Nghị định 91 của Chính phủ vừa ban hành cho thấy, cơ quan thuế đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các bên.

BẢO HIỂM XÃ HỘI “CHẶN NỢ MỚI, GIẢM NỢ CŨ”

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến hết tháng 10-2022, cả nước có 17,16 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 1,6 triệu người, tương ứng với mức tăng 10,38% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 620.000 người, tương ứng với mức tăng 3,75% so với thời điểm cuối năm 2021. Theo Hà Nội mới.

Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt hơn 88,68 triệu người, tăng hơn 4,3 triệu người (2,18%) so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số, nhưng vẫn giảm hơn 152.000 người so với thời điểm cuối năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT còn cao, hiện chiếm 5,7% so với số tiền phải thu, trong đó, số nợ phải tính lãi chiếm 3,3%. Để giảm tỷ lệ nợ, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, tập trung đôn đốc thu nợ, cố gắng “chặn nợ mới, giảm nợ cũ”. Về BHYT, trong 2 tháng cuối năm, BHXH Việt Nam hướng đến nhóm đối tượng mục tiêu là học sinh, sinh viên, người đang tạm dừng tham gia BHYT dưới 3 tháng, thành viên các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

SỬ DỤNG “HOÁ HỌC XANH” ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG 

Để tham gia vào thị trường thế giới cũng như trách nhiệm phải tuân thủ các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Sản xuất và tiêu dùng bền vững mà Chính phủ đã đề ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đã chủ động chuyển đổi sang hóa học xanh trong sản xuất. Theo báo Tin tức.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP của ngành công nghiệp. Hóa chất có vai trò quan trọng và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong mọi lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, việc sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất công nghiệp đã và đang gây ra những tác động rất lớn và nguy hiểm tới môi trường và sức khoẻ con người. Theo chuyên gia, bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế, phí của Chính phủ cần phát triển lực lượng lao động được đào tạo về hóa học xanh, bồi dưỡng quan hệ đối tác và tăng tính minh bạch về mối nguy hiểm về chuỗi hóa chất được sử dụng. Đồng thời, khuyến khích áp dụng các công trình nghiên cứu, quy mô phòng thí nghiệm áp dụng vào sản xuất của các doanh nghiệp với chương trình hành động chi tiết, nguồn tài chính từ doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức quốc tế theo nguyên tắc cùng có lợi.