Điểm báo: Phát triển phố đi bộ không phải phong trào

Phát triển phố đi bộ: Đừng chạy theo “phong trào”; Vì sao room tín dụng bất động sản mở nhưng thị trường vẫn tắc?; Công nhân cần chuẩn bị những gì để không bị thay thế bởi máy móc?; Tuyển dụng giáo viên cho năm học mới gặp khó;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 31/7.

PHÁT TRIỂN PHỐ ĐI BỘ: ĐỪNG CHẠY THEO “PHONG TRÀO”

Không ít người cho rằng việc mở ra phố đi bộ đang trở thành “phong trào” tại nhiều tỉnh, thành phố. Ngay tại Hà Nội, trừ khu vực Hồ Gươm, còn lại hầu hết đều không thu hút người dân. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.  

Theo bài viết, Trong nhịp sống đô thị hiện nay, việc có những tuyến phố đi bộ, không gian phố đi bộ là cần thiết. Nhưng nếu vì “phong trào” mà mở ra thì chưa chắc đã hay. Nhất là nó lại dày đặc, không có gì hấp dẫn thì không nên, có khi còn lãng phí, bất tiện cho người dân trong khu vực cũng như cản trở giao thông. Theo một số chuyên gia, hình thành phố đi bộ, cần kết hợp việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, không gian đi bộ cũng phải có nhiều gam màu đặc sắc, trong đó có ẩm thực và mua sắm. Và rất quan trọng là du khách thấy thoải mái còn người dân trong khu vực đó phải có lợi khi phát triển kinh tế.

VÌ SAO ROOM TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN MỞ NHƯNG THỊ TRƯỜNG VẪN TẮC?

Vì sao room tín dụng bất động sản mở nhưng thị trường vẫn tắc? Bài viết đáng chú ý được đăng trên báo Tiền phong.  

Việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, dù hạ lãi suất, nhưng các tổ chức tín dụng sẽ quan tâm đến những dự án khả thi cao và có tính hấp thụ lớn. Cụ thể, dự án ở phân khúc dành cho người có nhu cầu thực sự và phân khúc nhà ở xã hội. Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, đến tháng 7 sức mua hiện rất yếu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản, thậm chí bị mất thanh khoản. Đa số các doanh nghiệp địa ốc cũng đang bị nghẽn các nguồn vốn khác như bị tắc nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp hoặc bị tắc nguồn vốn huy động từ khách hàng.

CÔNG NHÂN CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ĐỂ KHÔNG BỊ THAY THẾ BỞI MÁY MÓC?

Công nhân lao động chân tay là đối tượng dễ bị máy móc thay thế nhất trong tương lai.

Theo ghi nhận, rất nhiều công nhân chấp nhận mặc kệ, nhưng cũng có không ít người đã có hướng chuẩn bị từ bây giờ để không rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Chia sẻ trên báo lao động, nhiều người công nhân cho rằng, Đối mặt với những thay đổi của cuộc sống và xã hội, phải thích nghi và không ngừng nâng cao bản thân mỗi ngày. Công nghệ, internet là điều mà bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần trong cuộc sống ngày nay. Học hỏi, tiếp thu vốn kiến thức về công nghệ và internet sẽ mở ra nhiều cơ hội làm việc với mức thu nhập hấp dẫn. Ngoài ra công nhân có thể tích cực sử dụng máy móc để trở thành người vận hành. Dù chọn hướng nào vẫn phải nhiệt huyết và kiên trì thì mới làm được và thành công.'

TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN CHO NĂM HỌC MỚI GẶP KHÓ

Hiện nhiều địa phương đã và đang có kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho năm học mới tuy nhiên một số địa phương gặp khó do thiếu nguồn tuyển...  

Theo bài viết trên báo Giáo dục và thời đại, Năm học 2023 - 2024, cả nước cần tuyển bổ sung hơn 81.500 giáo viên các cấp. Số lượng biên chế được giao chưa tuyển dụng là hơn 74.100 giáo viên. Trong đó, hơn 24.400 giáo viên tiểu học; trên 15.500 giáo viên THCS và hơn 5.500 giáo viên THPT. Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Không tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao. Tỷ lệ giáo viên/lớp thấp; cơ cấu mất cân đối. Ngoài ra, nhiều địa phương bị động, thiếu nguồn tuyển. Nguyên nhân của tình trạng trên là do, công tác quy hoạch, dự báo chưa sát. Một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế cơ học; thiếu cơ chế thu hút, giữ chân giáo viên.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam