Điểm báo: Lo ngại trước áp lực đáo hạn của trái phiếu bất động sản

Lo ngại trước áp lực đáo hạn của trái phiếu bất động sản; Bảo vệ người lao động không rơi vào đói nghèo; Giá lúa gạo tăng: nông dân mừng nhưng vẫn lo; Tổng thu từ khách du lịch cả nước ước đạt 416.600 tỷ đồng... là những tin có trong điểm báo sáng nay 30/7.

LO NGẠI TRƯỚC ÁP LỰC ĐÁO HẠN CỦA TRÁI PHIẾU BẤT ĐỘNG SẢN

Chúng tôi điểm qua bài viết đáng chú ý trên báo Kinh tế và Đô thị. Việc bất động sản chiếm tỉ lệ cao trong nhóm doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đang đặt ra vấn đề về mức độ rủi ro của các lô trái phiếu trong ngành này.

Nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại sau khi doanh nghiệp giãn hoãn và chậm trả sẽ làm tăng mức độ mất vốn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, cùng với đó là quỹ thời gian mà doanh nghiệp gia hạn không nhiều nên việc “dồn toa” các lô trái phiếu cũ và mới sẽ tạo sức ép lên năng lực trả nợ của nhiều tổ chức phát hành.

BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG RƠI VÀO ĐÓI NGHÈO

Thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, người lao động mất việc làm gia tăng trong những tháng đầu năm nay đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Trên báo điện tử VOV có bài viết:  Bảo vệ người lao động không rơi vào đói nghèo.

Theo thống kê, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2023, số lao động bị mất việc lên tới gần 280.000 người, trong khi số lao động bị giảm giờ làm khoảng 195.000 người…  Dự báo làn sóng sa thải lao động sẽ còn tiếp diễn từ nay đến cuối năm. Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tất cả các quốc gia cần có hệ thống an sinh xã hội đa tầng. Đây là lưới để bảo vệ tất cả mọi người, bao gồm lao động chính thức, phi chính thức, người già và trẻ em, thì khi bất cứ có cú sốc nào về kinh tế xã hội mang tính diện rộng hay là hộ cá nhân, họ được bảo vệ để không rơi vào đói nghèo. 

GIÁ LÚA GẠO TĂNG: NÔNG DÂN MỪNG NHƯNG VẪN LO

Những ngày qua, giá lúa gạo tăng liên tục khiến nông dân phấn khởi với hy vọng lãi đậm vụ lúa thu đông đang canh tác. Thế nhưng, diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu và tình trạng giá nông sản lên xuống thất thường nhiều năm qua khiến người nông dân vẫn canh cánh nỗi lo...

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, bà con mong muốn có được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, trên cơ sở đó, an tâm đầu tư sản xuất. Ngoài ra, mong muốn chính quyền và các bộ, ngành có biện pháp thu mua, dự trữ lúa giúp nông dân mỗi khi thị trường biến động, giá lúa xuống thấp. Theo GS Võ Tòng Xuân, các doanh nghiệp nên ký thêm các hợp đồng “tương lai” để xuất khẩu gạo trong năm tới để đảm bảo chắn chắn đầu ra hạt gạo với giá cả hợp lý. Từ đó khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng đã ký. Đây là lúc doanh nghiệp và nông dân cần hợp tác chặt chẽ để tăng cường uy tín, chất lượng gạo Việt Nam.

TỔNG THU TỪ KHÁCH DU LỊCH CẢ NƯỚC ƯỚC ĐẠT 416.600 TỶ ĐỒNG

Tổng cục Du lịch cho biết, tính chung 7 tháng, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023. Thông tin đáng chú ý được đăng trên Thời báo tài chính Việt Nam

 Riêng trong tháng 7/2023, cả nước đã đón hơn hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng 6. Về khách nội địa, Cục Du lịch cho biết tháng 7/2023 lượng khách đạt 12,5 triệu lượt. Qua đó, đưa tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 416.600 tỷ đồng. Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng qua với gần 1,9 triệu lượt. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738.000 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 445.000 lượt.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam