Điểm báo: Mục tiêu cải cách tiền lương là đảm bảo cho người lao động đủ sống bằng lương

Kiên định dịch chuyển dân nội đô tới khu vực phát triển mới; Mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương; Thị trường Bất động sản có dấu hiệu vượt “đáy”, Tràn lan hội nhóm làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng: cách nào ngăn chặn?; “Điểm nghẽn” trong tự chủ đại học cần được tháo gỡ... Là những tin có trong điểm báo sáng nay,

KIÊN ĐỊNH DỊCH CHUYỂN DÂN NỘI ĐÔ TỚI KHU VỰC PHÁT TRIỂN MỚI

TP Hà Nội đang khẩn trương tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sau hơn 10 năm triển khai thực hiện. Trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay có bài viết về nội dung này.

Qua hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung 2011, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều vấn đề định hướng chưa được thực hiện tốt, điều này dẫn đến xuất hiện những vấn đề bức xúc của đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học, bệnh viện… Và thực trạng khó khăn nhất mà TP đang phải đối mặt đó là mật độ dân cư quá cao trong khu vực trung tâm. Điều này cho thấy chất lượng phát triển đô thị của Hà Nội trong thời gian qua chưa được tốt.     

MỤC TIÊU CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG LÀ BẢO ĐẢM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỦ SỐNG BẰNG LƯƠNG

Mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương, tiêu đề bài viết đáng chú ý trên báo điện tử VOV

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, theo tinh thần của Kết luận 62, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu cho quá trình cải cách tiền lương phải xem xét đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công. Chính vì lẽ đó, Mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương; đặc biệt, phải xem xét quy định các loại phụ cấp đặc thù cho các ngành lĩnh vực đặc thù; để giữ chân người lao động đang làm việc tại các lĩnh vực đó hoặc thu hút nhân tài có năng lực chuyên môn vào khu vực công. nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư; nguyên nhân là thu nhập thấp, đời sống khó khăn do chậm cải cách tiền lương.    

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CÓ DẤU HIỆU VƯỢT “ĐÁY”

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản tại một số phân khúc ở nhiều địa phương đã có dấu hiệu vượt "đáy". Theo đó, giá không còn giảm sâu, dừng giảm giá, tâm lý nhà đầu tư phục hồi tích cực...

Theo báo Tiền phong, dưới góc độ chuyên gia bất động sản, TS. Trần Xuân Lượng đánh giá nhu cầu ở thực hiện đang rất cao và chắc chắn sẽ tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa... Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về “trạng thái bình thường". Thị trường bất động sản quý IV sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường chắc chắn sẽ có thêm nhiều điểm sáng mới.    

TRÀN LAN HỘI NHÓM LÀM GIẢ BIÊN LAI CHUYỂN KHOẢN NGÂN HÀNG: CÁCH NÀO NGĂN CHẶN?

Hàng loạt website, fanpage, hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng một cách tinh vi và dễ tiếp cận đã tồn tại một thời gian dài. Nhiều người vì chủ quan đã dễ dàng sập bẫy…

Theo báo Đại đoàn kết,  Dưới góc độ pháp lý, hành vi làm giả bill chuyển khoản là một hình thức lừa đảo, gian lận trong kinh doanh, vi phạm pháp luật. Tuỳ thuộc vào tính chất mức độ hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý hành vi này gặp nhiều khó khăn do tính chất tinh vi, lợi dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để che giấu danh tính, hoạt động. Ngoài ra, người bị hại cũng có thể do thiếu hiểu biết, thiếu cảnh giác mà không kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch.    

“ĐIỂM NGHẼN” TRONG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ

Tự chủ về bộ máy nhân sự và tự chủ tài chính là đang được cho là hai “điểm nghẽn” quan trọng cản trở sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Bài viết trích dẫn ý kiến của PGS.TS Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, Nhiều năm liên tục nhà trường không tuyển được giảng viên, đặc biệt, những ngành nghề định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra, tổ chức bộ máy, luật quy định rất rõ quyết định cơ cấu bộ máy bên trong nhưng vẫn phải chịu quyết định của tỉnh là tinh giản bộ máy, 1 lúc phải tinh giản 7 đầu mối. Điểm nghẽn tiếp theo là sử dụng tài chính, cơ sở vật chất. Có những thứ nguồn kinh phí tự chủ nhà trường không liên quan đến Nhà nước nhưng muốn làm thì không tự quyết định được mà phải xin Sở Kế hoạch, Sở Tài chính, kéo dài cả năm trời, nên mất đi cơ hội.     

Hoàng Hương