Điểm báo: VCCI - Quy định lắp camera trên ô tô gây tốn kém nghìn tỷ

Tổng liên đoàn lao động đủ pháp nhân để xây nhà ở cho công nhân?; Trăm tên miền giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính để lừa đảo; VCCI: Quy định lắp camera trên ô tô gây tốn kém nghìn tỷ; Dự báo xuất khẩu gạo năm 2023: Có thể chạm mốc kỷ lục 5 tỷ USD?;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 9/10.

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG ĐỦ PHÁP NHÂN ĐỂ XÂY NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN?

Câu chuyện đề xuất đưa dự thảo quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) trở thành chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối.

Báo Kinh tế và đô thị trích dẫn ý kiến Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, khoản 4 Điều 78 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê là phù hợp. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ không nên trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án nhà ở này. Các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh BĐS thuộc Tổng TLĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ cấp tỉnh, hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật, có thể được lựa chọn làm chủ đầu tư các dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân trong và ngoài KCN.    

TẤM LÁ CHẮN BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Việc xác thực nguồn gốc sản phẩm chính hãng thông qua tem truy xuất là một phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Báo Đại đoàn kết có bài viết: Tấm lá chắn bảo vệ người tiêu dùng.

Theo bài viết, việc quy định về tem truy xuất nguồn gốc là cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc quản lý sản phẩm. Mỗi tem truy xuất nguồn gốc có một mã xác thực duy nhất. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi chọn mua. Riêng với doanh nghiệp, tem truy xuất nguồn gốc QR-code giúp chứng minh với khách về sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn…Qua đó, doanh nghiệp sẽ có được niềm tin của khách hàng, là yếu tố mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn.    

TRĂM TÊN MIỀN GIẢ MẠO NGÂN HÀNG, TỔ CHỨC TÀI CHÍNH ĐỂ LỪA ĐẢO

Các vụ việc lừa đảo trên mạng có xu hướng gia tăng, trong đó hầu hết là website giả mạo các tổ chức tài chính ngân hàng. Theo bài viết trên báo điện tử VOV.

Dữ liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được hơn 4.000 báo cáo từ người dùng Internet về các hành vi lừa đảo. Trong đó hơn 95% là các hành vi lừa đảo nhắm vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không truy cập vào bất kỳ đường link website/fanpage/facebook giả danh cán bộ ngân hàng hỗ trợ vay vốn nhanh, thủ tục nhanh... Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.     

VCCI: QUY ĐỊNH LẮP CAMERA TRÊN ÔTÔ GÂY TỐN KÉM NGHÌN TỈ  

Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý với Bộ Giao thông Vận tải về dự thảo Nghị định sửa đổi liên quan đến quản lý vận tải bằng ôtô, đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất liên quan đến yêu cầu lắp camera giám sát cho các xe vận tải.

Theo bài viết trên báo điện tử Vnxpress, từ 1/7/2021, ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (tính cả vị trí lái xe), ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát. Để thực hiện quy định, một ôtô có thể phải gánh các chi phí khoảng 17 triệu đồng. Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, mục tiêu quản lý khi ban hành quy định lắp camera giám sát cho các xe vận tải là giám sát, cảnh báo vi phạm với tài xế, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, khi phân tích vào từng mục tiêu, kết quả có thể sẽ khó đạt được kỳ vọng. Về tính pháp lý, yêu cầu lắp camera giám sát cho các xe vận tải chưa đủ rõ ràng để xác định chủng loại camera phải lắp, về quyền hình ảnh riêng tư chưa được bảo vệ một cách hợp lý…   

DỰ BÁO XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2023: CÓ THỂ CHẠM MỐC KỶ LỤC 5 TỶ USD?

Theo các doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gạo, với những tín hiệu thị trường tốt như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 có thể chạm con số kỷ lục 5 tỷ USD. Bài viết phân tích trên báo Nông thôn ngày nay.

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo, đại diện một doanh nghiệp ngành gạo ở Tiền Giang cho rằng, năm nay, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu không nhiều hơn nhưng do giá gạo xuất khẩu tăng cao, kéo giá trị xuất khẩu gạo tăng cao kỷ lục. Năm ngoái, xuất khẩu được 7,3 triệu tấn, dự kiến năm nay xuất khẩu tối đa được khoảng 7,8 - 7,9 triệu tấn do diện tích trồng không tăng lên nhiều. Với giá xuất khẩu khoảng 580 - 600 USD/tấn, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, nếu giá gạo vẫn cứ giữ như hiện nay sẽ rất tốt. Nhà mua thế giới cũng chấp nhận, người trồng lúa có hiệu quả.