Điểm báo: Tại sao chưa dẹp được vấn nạn “cò” bến xe?

Tại sao chưa dẹp được vấn nạn “cò” bến xe?; Hệ lụy từ việc “bùng nợ” ngân hàng; Doanh nghiệp bất động sản bán dự án, xoay tiền trả nợ; Tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng đang gia tăng... là những tin tức đáng chú ý trên mặt báo sáng 8/10.

TẠI SAO CHƯA DẸP ĐƯỢC VẤN NẠN “CÒ” BẾN XE?

Hiện tượng“cò mồi” chèo kéo khách tại khu vực các bến xe lớn của Hà Nội vẫn diễn ra nhức nhối, đặc biệt là trong bối cảnh xe khách tuyến cố định (XKTCĐ) gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Hơn nữa, hình thức chộp giật khách cũng trở nên đa dạng, khó xử lý hơn.

Theo bài viết đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị, hình thức “cò mồi” phổ biến nhất là lái phụ xe của XKTCĐ hoạt động trong bến ra khu vực bán vé, sân đỗ xe buýt, nhà chờ, dành cho khách để chào mời, chèo kéo khách lên xe. Thậm chí không ít “cò mồi” dàn hàng trên lòng đường đoạn trước cửa bến xe, khi có người dân đến bến, bất kể có nhu cầu mua vé đi xe hay không cũng bị lôi kéo, giục giã. Trong bối cảnh ngày càng gặp nhiều khó khăn do bến vắng khách, một số nhà xe vẫn “luồn lách”, thực trạng này gây phản cảm, hoang mang cho người dân. Nếu không chấm dứt các hành vi“cò mồi”, XKTCĐ sẽ còn gặp nhiều khó khăn và mất khách hơn nữa.

HỆ LỤY TỪ VIỆC “BÙNG NỢ” NGÂN HÀNG

Nợ xấu vay tiêu dùng tăng nhanh, tình trạng trốn nợ đang ở mức báo động, theo đó, tình trạng “bùng nợ” cũng gia tăng kéo theo là những hệ lụy không chỉ với các công ty tài chính, mà cả với chính người đi vay, những người thân và xã hội. Thông tin đáng chú ý trên báo Đại đoàn kết số ra cuối tuần. Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hay “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội, nhóm với số lượng thành viên rất lớn như: Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (87.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và cách đối phó (2.600 thành viên); Bùng nợ Fe Credit, tổ chức tín dụng ngân hàng (10.000 thành viên)....

Đây đều là hành vi sai trái, các “con nợ” không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.  Các cơ quan chức năng cũng phải xử lý các trường hợp “bùng nợ” để mọi người lấy đó làm bài học. Và quan trọng, phải triệt phá các tổ chức tín dụng đen vì đó cũng là nguồn cơn gây ra tình trạng “bùng nợ” hiện nay”.

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN BÁN DỰ ÁN, XOAY TIỀN TRẢ NỢ 

Mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) le lói tín hiệu phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn trong cảnh thiếu vốn. Trước áp lực trả nợ ngân hàng, đáo hạn trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã phải xoay xở đủ cách...để tồn tại, trả nợ. Cụ thể, thị trường hiện đối mặt tình trạng “thiếu nguồn cung”, “giảm cầu”, “giảm giao dịch”, “thiếu vốn”, “thiếu cơ chế”, “thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương”. Sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản đang suy yếu nghiêm trọng.

Để có thể tồn tại, các doanh nghiệp đã phải cắt giảm số lượng nhân sự, các khoản chi tiêu, thậm chí phải bán dự án để tồn tại. Các chuyên gia nhận định việc cần ngay lúc này là nhanh chóng hoàn thiện các luật, cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường. Trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp, nhanh chóng giải quyết vướng mắc, gỡ khó cho các dự án mới để tăng nguồn cung ra thị trường.     

TÌNH TRẠNG LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG QUA MẠNG ĐANG GIA TĂNG

Một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng các website đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường, nhằm lừa đảo người lao động... Các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sử dụng các website như www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com… để tìm kiếm người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Các tổ chức doanh nghiệp này còn sử sử dụng trang thông tin cá nhân (facebook, zalo) đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này, như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người lao động. Khi người lao động chuyển tiền, các tài khoản này cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, căn cước công dân và bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tin tưởng và tiếp tục đóng các khoản phí khác. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động động đi làm việc ở nước ngoài.

Ngô Trang