Điểm báo: Đề xuất tiếp tục hỗ trợ tiền mặt cho lao động mất việc, giảm giờ làm

Đề xuất tiếp tục hỗ trợ tiền mặt cho lao động mất việc, giảm giờ làm; Cách nào giữ chân giáo viên?; Nhiều dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu giảm giá hàng chục triệu đồng; Thời điểm vàng để định vị hạt gạo... là những tin có trong điểm báo sáng nay 17/8.

ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC HỖ TRỢ TIỀN MẶT CHO LAO ĐỘNG MẤT VIỆC, GIẢM GIỜ LÀM

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tiếp tục thực hiện hỗ trợ tiền mặt cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Thông tin trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Theo bài viết, dự báo thị trường lao động 6 tháng cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động theo Nghị quyết số 06. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất trong ngày 31/3/2024. Các quy định về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ và các quy định khác… vẫn sẽ được giữ nguyên, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là khoảng 145 tỷ đồng.  

CÁCH NÀO GIỮ CHÂN GIÁO VIÊN?

Thiếu giáo viên đang là thách thức với nhiều địa phương khi năm học mới đang đến gần. Giải quyết bài toán này, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất, cần có cơ chế thu hút và giữ chân giáo viên, nhất là với người giỏi và tâm huyết.

Theo bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại, một trong những giải pháp góp phần tích cực giữ chân và thu hút giáo viên là nâng mức phụ cấp ưu đãi. Theo đó, có thể tăng lên ngang với mức phụ cấp ưu đãi của y tế cơ sở, hoặc tối thiểu là tăng từ 35% lên 70%. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, cần tạo cơ chế, môi trường làm việc thuận lợi cho giáo viên, tránh những áp lực không đáng có. Làm sao để giáo viên được sáng tạo và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Trong phạm vi thẩm quyền, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác. Đồng thời, khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

NHIỀU DỊCH VỤ KHÁM CHỮA BỆNH THEO YÊU CẦU GIẢM GIÁ HÀNG CHỤC TRIỆU ĐỒNG

Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã công bố giá khám chữa bệnh mới theo Thông tư 13 của Bộ Y tế. Trên báo Lao động có bài viết: Nhiều dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu giảm giá hàng chục triệu đồng.

Theo khảo sát tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện chỉ đang điều chỉnh giảm giá, không điều chỉnh tăng giá bất cứ dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nào so với trước đây. Theo chia sẻ của một số lãnh đạo bệnh viện, việc điều chỉnh giá khám dịch vụ theo yêu cầu không ảnh hưởng đến đối tượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giá khám này chỉ áp dụng ở nhóm đối tượng tự nguyện đăng ký khám chữa bệnh theo yêu cầu. Bộ Y tế cũng khẳng định việc ban hành thông tư này không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.   

THỜI ĐIỂM VÀNG ĐỂ ĐỊNH VỊ HẠT GẠO

Giá gạo trên thị trường thế giới liên tiếp lập đỉnh. Giá gạo trong nước cũng tăng mạnh. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là thời cơ “vàng” để định vị cho hạt gạo Việt. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Theo bài viết, nhìn từ hiện trạng vùng ĐBSCL - nơi chiếm hơn 50% sản lượng lúa hàng năm, phải làm sao biến nơi đây thành vùng nguyên liệu ổn định, vững chắc, trong đó nhà nước với vai trò hỗ trợ nền tảng để xây dựng được 3 mối quan hệ. Một là lấy doanh nghiệp làm hạt nhân. Hai là xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nông thôn. Ba là sản xuất lúa gạo phải luôn bắt nhịp với thị trường. Cũng theo bài viết, đã đến lúc người nông dân cần bỏ cách làm cũ lâu nay là mạnh ai nấy làm, nông dân tự lo sản xuất, còn DN thì ngồi chờ thương lái gom hàng, làm như vậy dễ xảy ra tình trạng "bẻ kèo", phải chuyển sang mô hình liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam