Điểm báo: Giải bài toán vật liệu làm cao tốc dễ hay khó?

Giải bài toán vật liệu làm cao tốc dễ hay khó?; Giá xuất khẩu lập đỉnh cao, lúa gạo việt lộ ra lỗ hổng; Dòng vốn chảy chậm, nghịch lý “người dư thừa, kẻ túng thiếu”;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 13/8.

GIẢI BÀI TOÁN VẬT LIỆU LÀM CAO TỐC DỄ HAY KHÓ?

Hiện nay, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đều đã khởi công được hơn nửa năm nhưng do thiếu vật liệu nên tiến độ triển khai các dự án bị ảnh hưởng lớn. Nhiều năm qua, vấn đề thiếu vật liệu luôn là bài toán khó của các dự án cao tốc. Vậy giải bài toán này dễ hay khó? Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Để giải bài toán này, cần có sự chuẩn bị chu đáo cũng như phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Theo Kinh tế và đô thị, Thứ nhất là chuẩn bị về nguồn khoáng sản gần các công trường thi công, có đảm bảo trữ lượng không. Thứ hai là thủ tục để khai thác khoáng sản đấy để cung cấp cho công trình có vướng mắc gì không. Thứ ba là phương pháp khai thác và phương tiện, đường xá để vận chuyển đến công trình có đảm bảo được tiến độ. Với trữ lượng lớn khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở nước ta hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu làm cao tốc, chỉ cần có sự chuẩn bị chu đáo.

GIÁ XUẤT KHẨU LẬP ĐỈNH CAO, LÚA GẠO VIỆT LỘ RA LỖ HỔNG

Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng vọt. Nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng, giá gạo trong nước cũng tăng nóng. Lúc này, các lỗ hổng của ngành hàng tỷ USD bộc lộ rõ. Bài viết trên báo điện tử Vietnamnet. 
+Giá lương thực tăng, quyền thương lượng sẽ chuyển từ người mua - là doanh nghiệp sang người bán – là nông dân. Lúc này, người nông dân lời nhiều sẽ không quan tâm lắm tới việc tiết giảm chi phí sản xuất để có giá thành hợp lý cũng như chất lượng gạo tốt hơn. Vietnamnet trích dẫn một số ý kiến cho rằng, Cần chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm, nông dân tự lo sản xuất, thương lái gom theo kiểu thương lái, doanh nghiệp ngồi chờ có đơn hàng rồi kêu thương lái thu gom. Phải chuyển sang mô hình liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp cũng phải chuyển sang sản xuất bền vững gắn với hợp tác xã. Nông dân sản xuất đơn lẻ phải vào hợp tác xã, phải vào các cánh đồng lớn để có quy trình canh tác đạt chuẩn    

DÒNG VỐN CHẢY CHẬM, NGHỊCH LÝ “NGƯỜI DƯ THỪA, KẺ TÚNG THIẾU”

Mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm được đánh giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố khác đáng quan tâm hơn là vòng quay tiền đang rất chậm. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.  +Trong khi thanh khoản của các ngân hàng vẫn dồi dào, thì có một nghịch lý đến từ sự phân hóa của 2 nhóm đối tượng. Một nhóm doanh nghiệp cần vốn kinh doanh nhưng khó tiếp cận do thiếu nhiều điều kiện cơ bản. Trong khi đó, một nhóm dân chúng không nhìn thấy rõ các cơ hội đầu tư nên vẫn để tiền nằm yên bất động. Các chuyên gia cho biết, các kênh đầu tư thông thường như đầu tư chứng khoán, bất động sản, hoặc tự mở công ty để kinh doanh... đều đang thu hẹp.   

TĂNG THU CHO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC: TỪ NHỮNG KHOẢN NGOÀI HỌC PHÍ

Thời gian qua, vấn đề học phí của các trường ĐH được dư luận quan tâm. “Tăng thu cho các trường đại học: Từ những khoản ngoài học phí” là tiêu đề bài viết trên báo Đại đoàn kết. 

Về mặt lý thuyết, hiện có 3 nguồn thu chính của các trường ĐH bao gồm: Ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác. Tuy nhiên, học phí vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH hiện nay, chiếm tỷ trọng 50 - 90% nguồn thu. Theo Đại đoàn kết, Đại đa số các trường, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn ở mức vô cùng khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, một nguồn thu rất lớn, có thể gấp đôi, gấp ba học phí sinh viên mà chưa trường Đại học nào ở Việt Nam khai thác được là các dịch vụ ăn, ở, sinh hoạt của sinh viên.