Điểm báo: Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP trên sân nhà

Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP trên sân nhà; Doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo gặp khó vì giá gạo tăng nhanh; Gỡ Thẻ vàng của EC - nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, cấp bách hiện nay; Chưa đề xuất được cơ chế thu hút vốn cho quy hoạch điện VIII ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 15/8/2023.

LOAY HOAY TÌM ĐẦU RA CHO SẢN PHẨM OCOP TRÊN SÂN NHÀ

Được coi là “báu vật”, “tinh hoa” của từng địa phương, song nhiều sản phẩm OCOP vẫn đang chật vật tìm đầu ra trên chính sân nhà của mình. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị

Một nghịch lý đang tồn tại ở các địa phương là, trong khi hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh khó tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP thì tại hệ thống siêu thị lại thiếu nguồn hàng. Thực tế cho thấy tại hệ thống siêu thị có đến hơn 90% là hàng Việt Nam, song số sản phẩm OCOP bày bán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy sự liên kết giữa hệ thống siêu thị và các kênh bán lẻ với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất chưa chặt chẽ. Cũng theo bài viết, để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng vấn đề quan trọng là các chủ thể OCOP cần chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh kết nối theo chuỗi, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng. 

DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN SẢN PHẨM TỪ GẠO GẶP KHÓ VÌ GIÁ GẠO TĂNG NHANH

Giá gạo tăng kéo theo giá thành sản xuất, chi phí đầu vào cũng tăng nhưng giá bán sản phẩm đã ký kết hợp đồng từ trước với đối tác thì không thay đổi. Trên báo điện tử VietNamplus có bài viết: Doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo gặp khó vì giá gạo tăng nhanh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là khoảng 1 tháng gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của 1 số cơ sở gặp khó khăn vì giá gạo biến động theo hướng tăng liên tục.   Để ứng phó với việc giá gạo tăng, trước mắt, cơ sở phải tự xoay xở nhiều giải pháp nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào. Đối với trường hợp khách lẻ, thỏa thuận tăng giá bán sản phẩm lên vài phần trăm nhưng phải có độ trễ nhất định, không thể tăng đột ngột theo giá gạo. Giá gạo tăng, cơ sở nhỏ không đủ nguồn chi phí, phải tiết kiệm tối đa các khoản; đầu thêm tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. 

GỠ THẺ VÀNG CỦA EC - NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ƯU TIÊN, CẤP BÁCH HIỆN NAY

Gỡ Thẻ vàng của EC - nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, cấp bách hiện nay. Bài viết đáng chú ý trên báo Đại biểu nhân dân.

Bài viết trích dẫn ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Hiện các nước đang cạnh tranh xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu đang gây sức ép với EC đề nghị nâng cảnh báo “Thẻ đỏ” cho Việt Nam, khi tàu cá của Việt Nam tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài.  Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung nguồn lực để bảo đảm đạt kết quả tốt nhất tại đợt thanh tra lần thứ 4 tới của EC, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”. Hiện nay, nhiều tỉnh còn chưa thành lập kiểm ngư địa phương nên chưa bảo đảm công tác thực thi pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

CHƯA ĐỀ XUẤT ĐƯỢC CƠ CHẾ THU HÚT VỐN CHO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Theo Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Theo bài viết trên báo Giao thông, nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch điện VIII là rất lớn. Do đó, cần sự tham gia của mọi thành phần kinh tế và đa dạng hóa các nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư. Trong đó, có nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, để vừa đảm bảo tiến độ của quy hoạch vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường…