Chuyển đổi số - Kinh nghiệm từ các nước

Trong thời đại công nghệ hiện nay, mỗi quốc gia trên thế giới đều có những chiến lược riêng để đạt được đích đến thành công trên hành trình chuyển đổi số. Những kinh nghiệm của các quốc gia rất quan trọng và có ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

SINGAPORE

Trong khu vực, Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, khi hành trình số hóa tại Singapore đã được khởi động từ nhiều năm trước. Năm 2017, Singapore thành lập Văn phòng Chính phủ số và quốc gia thông minh, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ và thông suốt trong chỉ đạo, vận hành. Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt và then chốt trong công cuộc chuyển đổi số.

Để đảm bảo nguồn cung nhân lực tiềm năng, Chính phủ Singapore thực hiện song song nhiều nhiệm vụ như: Tạo các chương trình cho giới trẻ tìm hiểu công nghệ từ sớm; Xây dựng các chiến lược ươm mầm tài năng; Phát triển cộng đồng nghiên cứu trong học sinh, sinh viên; Trao học bổng kỹ thuật số…

MALAYSIA

Chính phủ Malaysia đã triển khai các chiến dịch đào tạo, định hướng nhằm cung cấp cho người dân những nhận thức về cơ hội và kiến thức cơ bản về kinh tế số.

Hiện quốc gia này thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số với bốn trụ cột chính là công nghiệp 4.0, du lịch thông minh, giáo dục thông minh và thành phố an toàn. Đây được coi là chìa khóa chính để Malaysia đẩy nhanh phát triển, hướng tới mục tiêu lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050.

HÀN QUỐC

Hàn Quốc là một trong những nước sớm thực hiện chuyển đổi số. Quốc gia này xác định: để chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng thì hành lang pháp lý là yếu tố cực kỳ quan trọng. Tính tới thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã có hơn 50 bộ luật hỗ trợ phát triển các nền tảng số, phần mềm. Đối với các công nghệ mới, từ nhiều năm qua, nước này có cơ chế áp dụng thí điểm, vừa làm vừa sửa đổi dần dần.

LIÊN MINH CHÂU ÂU

Châu Âu là khu vực có nhiều quốc gia tiên phong về chuyển đổi số và cho đến nay đã đạt được nhiều thành công.

Trên phương diện cả khối, từ năm 2020, Ủy ban châu Âu đã đặt ra mục tiêu phát triển khu vực trong “Thập kỷ kỹ thuật số” 10 năm tới, trong đó tăng cường đầu tư cho kỹ thuật số. Theo đó, Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể cho năm 2030 trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chuyển đổi kỹ thuật số của doanh nghiệp và số hóa các dịch vụ công.

Một điểm nhấn trong quá trình chuyển đổi số của EU là vai trò quan trọng của Nghị viện EU trong việc thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý để giúp khu vực chuyển đổi số và ngăn chặn sự bành trướng của các nền tảng số xuyên biên giới.

Hiện Ủy ban châu Âu yêu cầu các quốc gia phải tìm giải pháp cho các thách thức của quá trình chuyển đổi số, cũng như tận dụng được các cơ hội mà quá trình này mang lại, trong đó có việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ đổi mới kỹ năng kỹ thuật số.

Hồng Nhung