Chính sách vượt trội phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Chiều 29/1, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Tọa đàm nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 2 ngay sau Tết Nguyên đán.

Nội dung cuộc Tọa đàm tập trung vào việc “Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng”. Theo dự thảo Luật, Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) là hệ thống (phương thức) liên kết, hợp tác của các cơ sở CNQP, lấy cơ sở CNQP nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm quốc phòng, dân dụng theo quy hoạch của Công nghiệp quốc gia. Các chuyên gia, nhà khoa học đồng tình với việc cần phải luật hóa các quy định để tạo liên kết theo chuỗi phát triển CNQP.

Tổ hợp CNQP không phải là 1 tổ chức mà là 1 mạng lưới. Do đó, cần xây dựng về các cơ chế ưu tiên phát triển Tổ hợp CNQP để tạo ra sự vượt trội, CNQP phát triển hiện đại, lưỡng dụng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình với các ý kiến cho rằng, trên cơ sở thực tiễn, cần luật hóa và xác định mô hình Tổ hợp CNQP với mục tiêu hướng đến để tạo giá trị trong phát triển CNQP. Tuy nhiên, các chính sách vượt trội vừa phải giải quyết được tính đặc thù và thống nhất của hệ thống pháp luật nên dự luật cần thiết kế 1 Điều về nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phối hợp với Ban soạn thảo quan tâm đến các quy định về hợp tác quốc tế. Các chính sách vừa bảo đảm tính vượt trội đối với phát triển Tổ hợp CNQP, vừa bao quát, lại cụ thể, đáp ứng yêu cầu cơ bản lâu dài, rất cấp thiết khi xây dựng Luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Khắc Phục -

Cao Hoàng