Cần có quy định khuyến khích cá nhân phát triển tàu ngầm mini, tàu lặn, phương tiện bay cá nhân

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Đinh Văn Thê - đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng lưỡng dụng là chủ trương đúng đắn của Đảng, tuy nhiên, dự thảo luật hiện nay chỉ có khái niệm “công nghệ lưỡng dụng” và một số cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng. 

Đại biểu phản ánh, các quy định này nằm ở nhiều điều khoản khác nhau, gây khó cho việc nghiên cứu, áp dụng. Đại biểu đề nghị cần có một điều khoản riêng quy định về tính lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Văn Thê cũng kiến nghị làm rõ nội hàm của tính lưỡng dụng. Tính lưỡng dụng thể hiện ở chỗ, các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt, ngoài việc tạo ra các sản phẩm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nếu không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, được quyền tận dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống dây chuyền công nghiệp, tạo ra các sản phẩm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. 

Các cơ sở công nghiệp khác, ngoài việc tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh, có thể tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phục vụ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đối với các sản phẩm đặc thù, có tính năng vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ dân sinh, cần có quy định về việc liên doanh, liên kết, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, chế độ chính sách đặc thù.

Về quy định tổ hợp quốc phòng, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị cần quy định cụ thể về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng và tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao trong dự án luật này. Mặc dù đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đặt ra yêu cầu cho phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới, nhưng đây là nhiệm vụ đã được Đại biểu Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị xác định: "Tổ chức lại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại". 

Việc xây dựng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước trong tình hình mới, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới". Theo đại biểu, luật cần xác định rõ phương thức liên kết, hợp tác, phân công, chuyên môn hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu, sản xuất các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia liên kết này.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu ngày 13-10-2023 của Chính phủ đã có phương án bổ sung quy định này vào dự thảo luật. Theo đó, đã có 2 khái niệm: Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam và tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, lưỡng dụng, nhưng chưa có nội hàm cụ thể. Vì vậy, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị nghiên cứu quy định nội hàm quy định này trong dự thảo luật, tạo cơ sở pháp lý để công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt là chú ý đến xác định lộ trình, nguyên tắc, thẩm quyền, chính sách đối với việc tổ chức tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Về bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu Đinh Văn Thê đánh giá, dự thảo luật đã thể hiện cơ bản đầy đủ chủ trương, định hướng tạo nguồn lực đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh đã được quy định trong các văn bản của Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn quy định chưa rõ, chưa cụ thể. 

Thực tiễn, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thời gian qua còn rất thấp. Công tác huy động xã hội hóa, cơ chế tín dụng đầu tư cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học, chế độ, chính sách cho các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định rõ hơn trong dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số