• 4426 lượt xem
  • 12:27 05/06/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua, giải pháp nào giúp người nông dân bớt khó?

Giá phân bón tăng cao đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước. Bởi theo Bộ NN&PTNT, chi phí phân bón chiếm tới 30%-50% giá thành sản xuất của ngành này. Những giải pháp nào giúp giảm sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ, giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và sản lượng?

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận định giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg. Chẳng hạn, giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc có mức 1,34 triệu đồng/bao, phân DAP nội địa là 1,12 triệu đồng/bao, phân kali 975.000 đồng/bao, phân urê là 910.000 đồng/bao…

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính chung bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu phân bón đạt khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu phân bón đạt khoảng 625,4 triệu USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ này cũng thông tin hiện tại các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân urê, phân NPK và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Song sản xuất DAP chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; kali và SA gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

GIÁ PHÂN BÓN TĂNG CAO, NGƯỜI DÂN “ĐUỐI SỨC”

Giá phân bón tăng 4 lần liên tiếp, giá cao nhất trong 50 năm qua. Vậy chi phí chi như vậy đã ảnh hưởng như thế nào tới sản xuất của người dân. Mời quý vị tiếp tục theo dõi qua phóng sự sau.

Để sản xuất những cánh đồng lớn như thế này ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội, chi phí cho phân bón, nguyên liệu đầu vào là rất lớn. Thế nhưng, thời gian qua khi giá phân bón tăng liên tiếp, giá thuê nhân công, thiết bị phục vụ sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm gạo bán ra giữ nguyên khiến người dân gặp không ít khó khăn.

Bà NGUYỄN THỊ NHANH - Thôn Hữu Vĩnh, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội: “Giá phân 19, 20 nghìn/kg. Chúng tôi rất lo âu vì giá phân cao mà giá đầu ra của sản phẩm thì thấp. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà con.”

Chị MAI THỊ THẮM - Thôn Hữu Vĩnh, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội: “Chúng tôi rất vất vả khi thuê công cấy giá cao, phân cao. Mong muốn được hỗ trợ giá đầu ra để giá cao lên”

Trong khi đó, giá phân bón tăng cao khiến giá thành sản xuất quả vải năm nay tăng cao gấp đôi năm ngoái. Điều này khiến người trồng vải lo lắng thị trường đầu ra của vải. 

Ông VI VĂN BỐN - Xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang: “Giá phân đầu vào chúng tôi mua cao gấp đôi năm ngoái mà không biết sản phẩm sau chúng tôi bán có tăng lên được hay không…  ”

Không chỉ có vải thiều mà chất lượng của nhiều loại cây ăn quả khác cũng lệ thuộc vào phân bón, điển hình như cây nho, có nhu cầu lớn về các loại đạm cao cấp. Tuy nhiên, giá quá cao người dân phải tính đến biện pháp thay thế.

Ông NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG - Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Trường, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang: "Đầu vào cao mà đầu ra không đảm bảo thì chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng thua lỗ cho người nông dân. Chất lượng đầu ra của sản phẩm cũng có hạn chế. Ví dụ đạm dầu cá, nếu bình thường chúng tôi phải cung cấp 10 lít/sào để đảm bảo chất lượng quả được nhưng bây giờ đầu vào nó quá cao thế này thì có khi chúng tôi phải giảm cái này tăng cái khác cho nên là chất lượng sản phẩm sẽ có bị ảnh hưởng”

Cây trồng thiếu phân bón, đặc biệt là kali sẽ ảnh hưởng chất lượng quả. Tuy nhiên, việc phân bón tăng giá tới hơn 50% đang đặt ra bài toán khó cho người nông dân trong việc duy trì vườn trồng và chất lượng sản phẩm.

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP GIẢM CHI PHÍ ĐẦU VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Có thể thấy, chịu tác động sau đại dịch, cộng thêm giá vật tư, nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón… tăng mạnh trong 2 năm qua khiến nông dân nhiều nơi trở nên “đuối sức”. Rõ ràng, giảm chi phí giá nguyên liệu đầu vào, tạo đầu ra ổn định không còn là vấn đề riêng của ngành nông nghiệp. Vấn đề này một lần nữa được các ĐBQH đề cập tại Nghị trường Quốc hội.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, khi giá đầu vào tăng, giá bán ra không đổi sẽ kéo theo nhiều khó khăn cho người nông dân. Tuy nhiên, không thể cứ mãi kêu gọi giải cứu hàng hóa mà phải có giải pháp từ việc quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới đến việc dự báo thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Ông HUỲNH THANH PHƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Việc kiểm soát giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Cử tri cho rằng đây là một hạn chế lớn của sản xuất nông nghiệp nước ta, mặc dù những năm qua đã có khắc phục một phần, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu của thực tế. Những hạn chế đó càng bộc lộ rõ nét nóng lên khi thị trường thế giới đưa ra những yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm nhất là trong điều kiện dịch bệnh vừa qua và như hiện nay.”

Thực tế này càng khó khăn cho những địa phương sản xuất nông nghiệp như Bình Phước.

Bà ĐIỂU HUỲNH SANG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: “Hiện nay người dân đã khó khăn, sản phẩm bán ra thấp. giá phân NPK trước đây chỉ khoảng 450 nghìn, nay giờ 1,1 triệu đến 1,2 triệu. Trong đó sản phẩm bán ra không đủ mua một bao NPK để sản xuất. Chính phủ cần có chính sách quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong giai đoạn chuyển qua phục hồi kinh tế sau đại dịch.”

Về lâu dài điều này sẽ tác động tới sản xuất trong nước và xuất khẩu. Do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.

Ông NGUYỄN VĂN THI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Tôi đề nghị Chính phủ áp dụng tạm dừng xuất khẩu phân bón, để giảm áp lực khan hiếm phân bón trong nước. Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, trong đó bổ sung mặt hàng phân bón từ đối tượng không phải chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT và áp dụng thuế suất hợp lý để hỗ trợ sản xuất phân bón trong nước.”

Ông TRẦN QUỐC NAM - Đại biểu Quốc hội Ninh Thuận: “Bộ Nông nghiệp, Công thương, Chính phủ cần nghiên cứu quyết sách. Cá nhân tôi đề xuất cần có chuyên đề để giải quyết nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Nếu chúng ta không quan tâm sâu sắc và trách nhiệm thì nông dân sẽ gặp khó khăn…”

GIẢI PHÁP CANH TÁC HẠN CHẾ SỬ DỤNG PHÂN BÓN VÔ CƠ

Bên cạnh những nỗ lực sản xuất của người dân và hỗ trợ, thay đổi từ chính sách, ở góc độ quản lý và hỗ trợ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn người dân phương pháp canh tác, hạn chế sử dụng phân vô cơ, vừa giảm chi phí, vừa đảm bảo môi trường và sản xuất lâu dài.

Phóng viên PHẠM CƯỜNG: “Để hỗ trợ người dân trong sản xuất, việc đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có hướng dẫn như thế nào cho người dân trong việc giảm sử dụng phân bón vô cơ, có hướng canh tác bền vững, gia tăng giá trị, thưa ông?”

Ông LÊ QUỐC THANH - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT: “Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt các viện nghiên cứu, các trường đại học. Hiện có khá nhiều kỳ quy trình công nghệ giúp chúng ta sử dụng phân bón một cách cân đối và hợp lý. Việc sử dụng phân bón một cách cân đối, hợp lý dựa trên các nguyên tắc khoa học. Hiện nay chúng tôi cũng đang triển khai một loạt các chương trình như ở Đồng bằng sông Cửu Long thì chúng tôi có chương trình canh tác lúa thông minh, phối hợp với Tổng công ty phân bón Bình Điền - nơi hội tụ các nhà khoa học đầu ngành về phân bón, về đất đai. Bằng cách cân đối lại số lượng cũng như cũng như thời điểm bón, thời vụ chúng ta sẽ giảm lượng phân bón đầu vào, giúp nhân dân giảm giá thành sản xuất.  Khuyến khích sử dụng các phân bón có nguồn gốc hữu cơ và sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc từ các chế phẩm sinh học để khai thác lợi thế về tiềm năng tự nhiên. Việc cân đối như vậy không những giúp lại mang lợi ích trước mắt mà còn mang lợi ích lâu dài cho người dân.”

Phóng viên PHẠM CƯỜNG: “Về lâu dài, chúng ta cần có giải pháp gì về mặt kỹ thuật như áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để hỗ trợ người dân sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào phân bón vô cơ như hiện nay, thưa ông?”

Ông LÊ QUỐC THANH - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT: “Chúng ta cần có chiến lược đối với sử dụng phân bón một cách hợp lý bắt đầu bằng các công trình nghiên cứu. Chúng tôi đề nghị các viện nghiên cứu, các trường và các cơ quan nghiên cứu sẽ tập trung nghiên cứu một cách bài bản hơn, dựa trên các điều kiện vệ sinh thái, mùa vụ, độ phì nhiêu của đất. Từ đó chúng ta sắp xếp và bố trí cơ cấu cây trồng một cách hợp lý. Đồng thời đưa ra các giải pháp sử dụng phân bón một cách hợp lý, cân đối giữa các chủng loại phân vô cơ với nhau và cũng phải cân đối giữa phân vô cơ và phân hữu cơ từ đó chúng ta sẽ đảm bảo sử dụng đất một cách bền vững.”

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.