Tăng đấu thầu, đấu giá để giảm bức xúc chênh lệch địa tô

Sáng nay (4/8), Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo luật đất đai ( sửa đổi). Chủ nhiệm uỷ ban kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Vấn đề làm sao để giảm bức xúc.. chênh lệch địa tô trong đấu giá, đấu thầu các dự án được các đại biểu, chuyên gia quan tâm thảo luận.

Về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phát triển dịch vụ thương mại qua hình thức đấu thầu, đấu giá… một số đại biểu cho rằng đây là quy định phức tạp do vậy nên sử dụng vốn ngân sách để tạo quỹ đất sạch phục vụ đâú thầu dự án. Đây là giải pháp xử lý chênh lệch địa tô đảm bảo  hài hoà lợi ích tốt nhất của 3 chủ thể nhà nước, người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư. Trong trường hợp thiếu vốn ngân sách để tạo quỹ đất sach, theo đại biểu cần “kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc”.

Một số đại biểu cho rằng phân bổ chênh lệch địa tô là chủ trương rất lớn trong Nghị quyết 18 của Trung ương cần được thể chế hóa trong Luật. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc dự án phải đấu giá quyền sử dụng đất mà điều cốt lõi là đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Quyền của Nhà nước là quyết định mục đích sử dụng đất và cho phép chuyển từ loại giá trị thấp sang giá trị cao. Vì vậy, nếu định giá đất trước khi thu hồi và sau khi chuyển mục đích sử dụng đều sát thị trường thì địa tô chênh lệch vẫn được đảm bảo mà không cần thiết phải đấu giá.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Lê Minh Ngân cũng cho rằng nếu định giá  đúng thì không cần đấu giá, tuy nhiên thực tế khó có thể định giá đúng bởi phụ thuộc vào thị trường có thực sự minh bạch và lý tưởng hay không.

Dự luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023. 

Diệu Huyền -

Minh Quốc