Quy đổi giá trị đóng góp của người dân thành nguồn vốn đối ứng của địa phương

Hôm nay 4/7, đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hoà Bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng đoàn Giám sát làm trưởng đoàn.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Hoà Bình có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại hơn 27.000 hộ, tỷ lệ nghèo giảm 3,2%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,03%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66,67 triệu đồng cao hơn bình quân chung cả nước.

Ghi nhận kết quả của tỉnh Hoà Bình, đoàn giám sát đề nghị tỉnh đánh giá kỹ hơn về tính khả thi của các văn bản ban hành hướng dẫn thực hiện các chương trình khi áp dụng trong thực tiễn địa phương; những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai, những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung.

Chia sẻ với khó khăn của tỉnh Hòa Bình khi nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn cao, đoàn giám sát đề nghị tỉnh làm rõ việc thực hiện quy đổi giá trị đóng góp đất đai, ngày công của người dân thành nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, tỉnh Hoà Bình tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo các cấp đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, cần có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ; định kỳ kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện bảo đảm hoàn thành việc giải ngân, và các mục tiêu chương trình năm 2023.