Không để phát sinh thủ tục khi áp dụng cơ chế đặc thù

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Đồng thời, đề nghị trong thiết kế các chính sách cần đảm bảo linh hoạt, dễ thực hiện, bởi thời gian thực hiện các chương trình mục tiêu không còn nhiều.

Cho rằng chỉ còn thời gian 2 năm để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị trong các nội dung của dự thảo nghị quyết cần tạo điều kiện tối đa cho địa phương tháo gỡ những khó khăn bất cập đã được đoàn giám sát chỉ ra.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận thì thống nhất với việc không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với các tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước trong các chương trình mục tiêu Quốc gia. Tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị cần có những quy định cụ thể nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Về việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc phản ánh thực tế qua giám sát cho thấy, quy định Chủ tịch UBND cấp xã được quyết định việc mua sắm, nhưng giá cả căn cứ vào giá cả thị trường là rất khó thực hiện. Vì vậy, nếu đã xác định là hỗ trợ cho cộng đồng thì nên khoán trọn gói, hoặc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định để phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thùy Linh -

Anh Đức