Điểm báo: Thị trường xăng, dầu sẽ hết nhập nhèm?

Thị trường xăng, dầu sẽ hết nhập nhèm?; Đề xuất thêm gói tín dụng nhà ở xã hội; Hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội: Đề xuất lùi thời điểm thực hiện đến năm 2035; Ngành công nghiệp bán dẫn: Bảo đảm nhân lực cả chất và lượng;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 23/11.

THỊ TRƯỜNG XĂNG, DẦU SẼ HẾT NHẬP NHÈM? (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Sáng nay báo kinh tế và đô thị có bài viết liên quan đến việc thực thi nghị định 80/2023 của CP về kinh doanh xăng, dầu. Nghị định được kỳ vọng khi thực thi sẽ giúp thị trường xăng, dầu trong nước minh bạch hoá và tăng tính cạnh tranh.

Nghị định 80 đã giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng, dầu; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; kiểm soát lạm phát. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN sử dụng xăng, dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và DN kinh doanh xăng, dầu. Đáng chú ý, việc rút ngắn thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống còn 7 ngày sẽ giúp giá xăng, dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới. Thời gian điều hành ngắn hơn cũng giúp cơ quan điều hành quản lý rủi ro tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xăng, dầu thế giới gần đây biến động thất thường.    

ĐỀ XUẤT THÊM GÓI TÍN DỤNG NHÀ Ở XÃ HỘI (ĐẠI ĐOÀN KẾT)  

Xuất phát từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi tư duy phát triển NOXH.

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM vừa có kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Căn cứ của đề xuất xuất phát từ việc lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện tại là chưa thực sự ưu đãi. Trên thực tế gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Ngân hàng nhà nước cũng thừa nhận việc giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân  nhắc kĩ lưỡng. Ngoài ra, điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp.     

HẠN CHẾ XE CÁ NHÂN TẠI HÀ NỘI:  ĐỀ XUẤT LÙI THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2035 (TIỀN PHONG)  

Sau 6 năm thực hiện đề án quản lý phương tiện giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án đã thực hiện được 31/37 nhóm giải pháp và hiện đang được rà soát, cập nhật thêm. Với đề án thu phí xe ô tô vào nội đô và phân vùng hoạt động xe máy, đang được xây dựng theo hướng mở rộng phạm vi không gian ra ngoài Vành đai 3 và lùi thời gian dừng hoạt động xe máy đến năm 2035.

Vận tải công cộng Hà Nội hiện mới đáp ứng được 19% và trông chờ vào xe buýt là rất bất cập, bởi xe buýt chỉ là phương tiện khai thác ở giai đoạn quá độ, quãng đường ngắn, lại không phải phương tiện vận chuyển lớn. Do chưa có phương tiện di chuyển thay thế nên chưa thể buộc người dân bỏ xe cá nhân. Theo các chuyên gia để giải bài toán giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô. Theo Kết luận số 49 của BCT, Từ nay đến năm 2035, Hà Nội phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch (10 tuyến). Khi Hà Nội có thêm mạng lưới đường sắt theo quy hoạch đưa vào hoạt động thì việc đáp ứng 50% nhu cầu của người dân là hoàn toàn khả thi. Đến lúc này việc dừng xe máy tại các quận nội thành là phù hợp nhất.

NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN:  BẢO ĐẢM NHÂN LỰC CẢ CHẤT VÀ LƯỢNG (GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI)  

Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đang rất cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch và hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch.Theo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi sự tham gia của giảng viên và chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tại Việt Nam, số lượng giảng viên và chuyên gia có chuyên môn cao và kinh nghiệm trong ngành bán dẫn còn hạn chế. Một khó khăn nữa trong việc đào tạo là mức độ kết nối giữa doanh nghiệp – nhà trường – Nhà nước chưa đủ chặt chẽ, dẫn đến việc hợp tác hướng dẫn, đào tạo nhân lực còn sơ sài. Để cải thiện, Nhà nước cần có những chính sách thu hút, đẩy mạnh sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học.    

Truyền hình Quốc hội Việt Nam