Điểm báo 21/11: Ì ạch giải ngân vốn vay nhà ở xã hội

Ì ạch giải ngân vốn vay nhà ở xã hội; Truy vết trốn thuế thương mại điện tử; Kinh doanh xe ghép không phải chỉ màu hồng; Đẩy mạnh đưa lao động vùng khó khăn đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 21/11.

Ì ẠCH GIẢI NGÂN VỐN VAY NHÀ Ở XÃ HỘI

Trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay 21/11, mặc dù nhiều dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng nhưng thực tế lượng vốn giải ngân vẫn hạn chế, do những vướng mắc về một số quy định pháp lý và điều hành tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, cần phải nhanh chóng gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay cho các dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Đây được xem là một trong những giải pháp giúp thị trường bất động sản phục hồi.

Các chuyên gia cho rằng gói tài chính 120.000 tỷ đồng triển khai chậm vì chưa thực sự mang đến những điều kiện thuận lợi cho nhóm người thu nhập thấp có nhu cầu mua NƠXH, bởi mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định dành cho người mua nhà là 8,2%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với đó, quy định về thời hạn vay vốn cũng là một trở ngại lớn, trong khi Nghị định 49 năm 2021của Chính phủ quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho người mua, thuê mua NƠXH, thì gói tín dụng này chỉ cho vay trong vòng 5 năm. Như vậy chưa phù hợp với thời gian triển khai và với dự án quy mô lớn.    

TRUY VẾT TRỐN THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử cần phải tốt hơn, đầy đủ hơn nữa để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro nhằm ngăn chặn trước việc gian lận thuế. Thông tin chi tiết đăng tải trên báo Đại đoàn kết.

Ngoài việc một số cá nhân không thực hiện nghĩa vụ thuế, còn có một số cá nhân thực hiện nhiều thủ thuật để gian lận thuế trên môi trường kinh doanh điện tử. Nhiều chủ shop online cũng chuyển sang ưu tiên thu tiền mặt hoặc phân bổ tài khoản nhận tiền cho nhiều cá nhân khác nhau trong gia đình, tránh trường hợp dồn cả vào 1 tài khoản để đỡ bị cơ quan thuế để ý.

Với khối lượng dữ liệu lớn, khai thác từ nhiều nguồn, công cụ như AI/Machine learning sẽ áp dụng công nghệ dữ liệu lớn để xử lý, làm sạch, cấu trúc hóa và kết nối, đồng thời lưu trữ trên Data Warehouse và kết xuất các mẫu báo cáo thống kê, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Với cơ sở dữ liệu này, cơ quan thuế sẽ sử dụng để rà soát, đối chiếu với dữ liệu kê khai, nộp thuế của người nộp thuế để hướng dẫn người nộp thuế đăng ký thuế, khai, nộp thuế theo quy định.

KINH DOANH XE GHÉP KHÔNG PHẢI CHỈ MÀU HỒNG

Xe ghép đón tận nhà, đưa đến tận nơi và luôn sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu... Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây là loại hình vận tải khách không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng, cần sớm có biện pháp quản lý phù hợp để lành mạnh hóa thị trường vận tải và bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Hầu hết phương tiện tham gia dịch vụ ghép xe, xe đi chung là xe biển trắng, không dán phù hiệu kinh doanh vận tải và hoạt động trên mọi ngõ ngách để đưa đón khách tận nhà. Việc này không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về ATGT, an ninh trật tự và thất thu thuế cho Nhà nước. Các chuyên gia cho rằng hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp, các quy định để phân định loại hình chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế phát triển của khoa học công nghệ, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, làm xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông.    

ĐẨY MẠNH ĐƯA LAO ĐỘNG VÙNG KHÓ KHĂN ĐI LÀM VIỆC Ở THỊ TRƯỜNG CÓ THU NHẬP CAO

Trong những năm gần đây, số lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày một tăng, đặc biệt tăng mạnh ở các thị trường có thu nhập tốt và ổn định như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Tuy nhiên, số lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn được đưa đi vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ...

Nguyên nhân do địa bàn vùng biên giới là vùng sâu, vùng xa, người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng ít tuyển, do chi phí để tuyển lao động cao hơn các vùng miền khác, hiệu quả không cao do số lượng lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài không nhiều. Bên cạnh đó, người lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ, trình độ văn hóa, và sức khỏe để đi làm việc tại các thị trường có thu nhập tốt và ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Để tăng cường công tác đưa người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách và vận động các doanh nghiệp tham gia tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng đi làm việc ở nước ngoài.    

Ngô Trang