Điểm báo: Nơm nớp lo thiếu điện trong năm 2024

Nơm nớp lo thiếu điện; Hà nội vẫn loay hoay xử lý nước thải; Hiểm họa khi trẻ học chế pháo trên mạng; Bỏ hay giữ xét tuyển học bạ?... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 17/1

NƠM NỚP LO THIẾU ĐIỆN

Nỗi lo về thiếu điện trong năm 2024 vẫn hiện hữu, đặc biệt tại khu vực miền Bắc dự báo nguy cơ có thể thiếu 1.200 - 2.500MW, nhất là cao điểm Hè từ tháng 5 – 7. Thông tin đáng chú ý trên báo Kinh tế và đô thị sáng nay.

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, trong năm qua, tình trạng thiếu nguồn diễn ra, trong khi công suất phân bổ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xuống rất thấp và kéo dài, dẫn tới tổng công ty phải điều chỉnh, tiết giảm một lượng lớn phụ tải. Ước tính công suất phải điều chỉnh và sa thải lớn nhất đạt 3.952MW. Sản lượng điện tiết giảm ước 608 triệu kWh. Theo dự kiến, điện thương phẩm năm 2024 sẽ hơn 97 tỷ kWh, tiếp tục tăng trưởng so với năm 2023. Tại miền Bắc, hiện nhiều tỉnh dự kiến sẽ phát triển nóng trong giai đoạn 2024 - 2025 với nhiều khu công nghiệp, DN, khách hàng lớn đăng ký sử dụng công suất quy mô lớn. Dự báo, công suất của EVNNPC năm 2024 có thể đạt trong khoảng 17.200 – 18.000MW, tương ứng với tăng trưởng từ 8,7 - 13,7% so với năm 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung.  

 HÀ NỘI VẪN LOAY HOAY XỬ LÝ NƯỚC THẢI 

 Liên quan đến việc xử lý nước thải, Báo Đại đoàn kết có bài viết, Đến nay Hà Nội mới chỉ có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt. Trong khi theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội, vào năm 2030, hệ thống nước thải của thành phố sẽ được thu gom và xử lý với 41 nhà máy, công suất 1.800.000 m3/ngày đêm, xử lý 100% nước thải sinh hoạt. 

Thống kê sơ bộ, hiện Hà Nội còn khoảng 60% các cụm công  nghiệp có các trạm xử lý nước thải tập trung. Đáng nói là Phần lớn các KCN và cụm công nghiệp các thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu đã thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm về chất thải rắn.  Để cải thiện chất lượng nước thải trên địa bàn Hà Nội, cần nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông hồ nội đô, kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí và các công trình văn hóa, tâm linh... trên mặt nước. Xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập. Và đồng thời kiểm soát hoạt động các nhà máy, cũng như công trình xử lý nước thải xả vào sông...   

HIỂM HỌA KHI TRẺ HỌC CHẾ PHÁO TRÊN MẠNG

Chỉ trong khoảng 2 tuần vừa qua, các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương tiếp nhận hàng loạt ca tai nạn thương tích nặng do chế tạo pháo. Nạn nhân chủ yếu là học sinh, vì hiếu kỳ nên làm pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng xã hội.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nam sinh 12 tuổi (Quảng Ninh) trong tình trạng bàn tay phải dập nát, ngón cái đứt rời, ngón 3 đứt rời đốt 2-3, các ngón 2, 4, 5 dập nát phần mềm và xương gãy phức tạp nhiều vị trí. Theo người thân, nam sinh bị thương do tự chế pháo nổ. Ghi nhận thực tế, Nhiều em bị chấn thương toàn thân rất nặng khi tự chế tạo pháo. Sự việc xảy ra khi các em sử dụng máy xay sinh tố để xay hỗn hợp lưu huỳnh và chất hóa học để làm thuốc pháo. Đa số các trường hợp thương tâm đều do các em xem và làm theo các clip trên mạng xã hội. Do đó, Để hạn chế tối đa hệ lụy đáng tiếc từ việc trẻ chế tạo pháo trái phép, ngoài sự phối hợp tuyên truyền giữa nhà trường và gia đình, cũng rất cần ngăn chặn sự tồn tại của các clip hướng dẫn làm pháo trên các trang mạng xã hội...     

BỎ HAY GIỮ XÉT TUYỂN HỌC BẠ?

Ngày càng nhiều trường đại học không sử dụng phương thức xét học bạ THPT trong phương án tuyển sinh, vì cho rằng kết quả này không đáng tin cậy.

Nhiều trường không sử dụng kết quả xét học bạ vì kết quả học tập THPT, đặc biệt lớp 12 có sự khác biệt trong đánh giá giữa mỗi giáo viên, trường, khu vực, vùng miền. Do đó, Nếu sử dụng kết quả này xét tuyển chung vào một trường đại học sẽ không tạo ra sự công bằng, đồng thời không đảm bảo chất lượng đầu vào. Đồng thời cách đánh giá học sinh ở bậc phổ thông chưa đồng đều, có độ “vênh” nhất định giữa các địa phương, khu vực. Chưa kể, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở nhiều trường THPT khá cao, nếu xét học bạ vào đại học sẽ không đảm bảo sự chínhxác, công bằng và không đảm bảo chất lượng đầu vào. Về lâu dài, các trường đại học sẽ tìm kiếm các phương án tuyển sinh riêng, phù hợp điều kiện thực tế. Trong đó, xu hướng hình thành các mạng lưới tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phổ biến trong tương lai gần.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam