Điểm báo: Nhiều bất cập trong mua - bán nhà ở xã hội

Nhiều bất cập trong mua - bán nhà ở xã hội; 100% chung cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải được kiểm tra phòng cháy; Dịch chuyển phát triển năng lượng xanh, xu thế tất yếu; Lạm thu - Chuyện đến mùa lại nóng... là những tin có trong điểm báo sáng nay.

NHIỀU BẤT CẬP TRONG MUA - BÁN NHÀ Ở XÃ HỘI

Thời gian qua, tình trạng mua, bán nhà ở xã hội (NƠXH) không đúng đối tượng vẫn diễn ra khiến những người trong diện chính sách khó tiếp cận. Nguyên nhân bởi điều kiện mua NƠXH trong Luật Nhà ở hiện hành còn vướng mắc, bất cập khiến nhiều đối tượng lợi dụng trục lợi từ chính sách.

Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay về bất cập điều kiện mua NƠXH về cư trú, thu nhập… đang gây ra phiền toái cho người dân tiếp cận NƠXH, như quy định yêu cầu đối tượng người có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì không được mua nhà ở xã hội. Hay như tiêu chí xác định “thu nhập thấp” đang áp dụng chưa tính đến tỷ lệ chi phí trả cho ngôi nhà trên tổng thu nhập hộ gia đình (thông thường không được quá 50%). Trong khi giá NƠXH đã tăng gấp đôi sau 5 năm, còn khung thu nhập dưới thuế vẫn giữ như 8 năm trước dẫn đến việc người mua nhà phải chi trả quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng.

100% CHUNG CƯ, NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT KINH DOANH PHẢI ĐƯỢC KIỂM TRA PHÒNG CHÁY

Cũng liên quan đến nhà tập thể, con số sau đây có thể khiến chúng ta quan tâm, đó là: 100% chung cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải được kiểm tra phòng cháy. Thông tin đáng chú ý này được đăng trên báo Lao động.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu bổ sung kiểm tra thêm 100% đối với 2 đối tượng trong đợt tổng kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gồm chung cư; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao (gồm các loại hàng hóa: khí dễ cháy, chất lỏng dễ cháy, pháo hoa, chất rắn dễ cháy,...); hoàn thành xong trước ngày 30/10/2023. Đối với tất cả chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao phải tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Tại buổi diễn tập, tất cả các căn hộ, phòng trọ tại loại hình trên phải có ít nhất 1 người tham gia; hoàn thành trước ngày 30.3.2024.    

DỊCH CHUYỂN PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG XANH, XU THẾ TẤT YẾU

Việt Nam đang triển khai quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch. Đây là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị, trên thực tế, việc chuyển đổi năng lượng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt, việc hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành. Đơn cử, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống.

Ngoài ra, chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió; năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy phát triển.    

LẠM THU - CHUYỆN ĐẾN MÙA LẠI NÓNG

Lạm thu đầu năm học không phải là câu chuyện mới. Nó là chuyện mà đầu năm học nào chúng ta cũng phải tốn giấy mực bàn tới. Vậy vì sao chuyện này không khắc phục được? Gốc rễ vấn đề nằm ở đâu? Trên báo Đại đoàn kết có bài viết phân tích về vấn đề này.

Theo bài viết, những tác động mạnh từ xã hội, từ đạo đức và giá trị sống đã len vào trường học, khiến nó không phải là chuyện dễ dàng để thay đổi. Giáo dục ngày nay có trường công lập và trường tư. Sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội phát triển cũng là không tránh khỏi. Nhưng trong một mặt bằng chung, trong những ngôi trường Nhà nước lập ra để tạo điều kiện tiếp cận tới giáo dục một cách công bằng cho mọi người, thì chuyện lạm thu đầu năm là không chấp nhận được.

Hoàng Hương