Điểm báo: Cải cách tiền lương, tạo cú hích cho thị trường lao động

Cải cách tiền lương, tạo cú hích cho thị trường lao động; Khách hàng "ngậm đắng" khi mua online thiết bị thoát hiểm chung cư; Chuẩn hóa ngân hàng đề thi; Tỷ giá tăng gây áp lực với doanh nghiệp.. là những tin nổi bật trong Điểm báo sáng 23/9.

CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG, TẠO CÚ HÍCH CHO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Trong thời gian vừa qua có tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư. Về vấn đề này, báo Lao động có bài viết, “Cải cách tiền lương, tạo cú hích cho thị trường lao động”.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh mục tiêu sớm thực hiện chính sách cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 là một “cú hích” cho thị trường lao động và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Theo báo Lao động, việc cải cách tiền lương này sẽ tạo điều kiện cân bằng lại giữa mức lương giữa khu vực doanh nghiệp và khu vực công từ đó giữ chân người tài và tạo ra hiệu quả, năng lực của bộ máy Nhà nước. Việc này cũng đảm bảo sự bình đẳng xã hội. Về nguyên tắc thì người lao động làm việc ở lĩnh vực nào, khu vực nào thì cũng đạt được quyền lợi tiệm cận nhau chứ không chênh lệch quá, tạo sự đồng thuận xã hội.

KHÁCH HÀNG "NGẬM ĐẮNG" KHI MUA ONLINE THIẾT BỊ THOÁT HIỂM CHUNG CƯ

Sau vụ cháy chung cư mini, nhiều thiết bị phòng cháy, phòng hộ như: Bình cứu hỏa, mặt nạ, thang dây "cháy hàng", tăng giá. Báo Giao thông phản ánh tình trạng, khách hàng "ngậm đắng" khi mua online thiết bị phòng hộ, thoát hiểm chung cư. 

Nhiều người tiêu dùng bức xúc chia sẻ, đã đặt mua thang dây dải dẹt 30mm, chiều dài 5m trên một trang thương mại điện tử với giá 650.000 đồng. Lâu không thấy hàng về, vào kiểm tra chỉ nhận được thông tin đơn hàng đã hết. Kiểm tra lại sản phẩm đặt mua, đơn giá bán công khai đã tăng lên hơn 700.000 đồng/chiếc. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, nhu cầu mua các sản phẩm thuộc trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy là rất lớn, nên đã xảy ra tình trạng tăng giá, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra ở một vài nơi, ở một vài thời điểm.

CHUẨN HÓA NGÂN HÀNG ĐỀ THI

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chia sẻ những điểm đã được thống nhất về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong số nhiều nội dung mới, câu chuyện về ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018 hiện là mối bận tâm không hề nhỏ. Bài viết trên báo Đại đoàn kết

Để tạo nên dữ liệu ngân hàng câu hỏi khổng lồ là việc phải gấp rút làm ngay, không thể chần chừ. Công bằng mà nói, việc xây dựng ngân hàng đề thi ở các môn thi trắc nghiệm thực chất đã được triển khai kể từ khi kỳ thi THPT quốc gia áp dụng phương án thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, qua từng năm với mức độ đề khó, dễ khác nhau khiến dư luận chưa thực sự an tâm về nội dung và chất lượng đề thi. Theo báo Đại đoàn kết, băn khoăn này là hoàn toàn có căn cứ và cần được Bộ GDĐT tính toán thỏa đáng, nên chuẩn bị ngay từ bây giờ với việc huy động sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên.

TỶ GIÁ TĂNG GÂY ÁP LỰC VỚI DOANH NGHIỆP

Tính đến phiên giao dịch ngày 21/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.079 VND/USD. Nếu so với mức thấp nhất trong năm (được thiết lập ngày 15/4), thì tỷ giá trung tâm đã tăng tới 2%. Các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu sẽ cảm nhận rõ nhất điều này. Bài viết trên báo Tiền phong.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay thì áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích. Như vậy, khả năng đồng VND giảm giá so với USD sẽ có thể tiếp diễn trong các tháng cuối năm. Báo Tiền phong đề cập, tỷ giá tăng sẽ tác động ngay lập tức đến hoạt động thương mại. Các loại hàng hóa nhập khẩu sẽ đội thêm chi phí khiến giá sản phẩm trong nước tăng theo, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, áp lực từ tỷ giá sẽ không quá lớn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngô Trang