Việt Nam điểm báo: Việt Nam khuyến khích các nhân tài làm việc và đóng góp cho nước nhà

Chính phủ Việt Nam nỗ lực thu hút thêm nhân tài làm việc cho đất nước; Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trên không gian mạng; Chính phủ Việt Nam hướng tới sản xuất và xuất khẩu lúa gạo bền vững… là những tin tức về Việt Nam được quốc tế đăng tải tuần qua.

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM NỖ LỰC THU HÚT THÊM NHÂN TÀI LÀM VIỆC CHO ĐẤT NƯỚC

Chủ trương này cũng đưa ra lời kêu gọi những chuyên gia gốc Việt tại nước ngoài tăng cường đóng góp cho nước nhà. Thông tin được đăng tải trên tờ Tân Hoa Xã. Bài báo thông tin, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu có nhiều nhân tài làm việc trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong các ngành then chốt như khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo và y tế.

Việt Nam sẽ duy trì tỷ lệ nhân tài làm việc trong các cơ quan nhà nước không thấp hơn 20% tổng số người được tuyển dụng mới hàng năm. Nhân tài được Chính phủ Việt Nam xác định là sinh viên với thành tích ưu tú, tốt nghiệp loại giỏi, cũng như thạc sĩ, tiến sĩ và giáo sư với các nghiên cứu được công nhận và mang tính thực tiễn cao. Ngoài ra, những người có khả năng và kinh nghiệm làm việc xuất sắc trong và ngoài nước cũng sẽ được chú trọng.

Tác giả bài báo cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ mời các vị giáo sư và các chuyên gia đầu ngành gốc Việt, những người đang sống tại nước ngoài, về làm việc và giảng dạy tại Việt Nam. Đây là những giải pháp được xác định giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2050.   

VIỆT NAM ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG TRONG VIỆC ĐẢM BẢO AN NINH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thông tin này được đăng tải trên trang Fagen Wasanni của Ba Lan về một trong những mối quan tâm cấp thiết của nhiều quốc gia trong thời đại số.         

Bài báo nhận định rằng cách tiếp cận của Việt Nam đối với an ninh mạng rất đa dạng, với nhiều biện pháp nhằm bảo vệ cả an ninh quốc gia và an toàn kỹ thuật số của công dân. Đó là nhờ Chính phủ Việt Nam đã chủ động thiết lập một khung pháp lý mạnh mẽ để giải quyết các mối đe dọa trên không gian mạng. Luật An ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 chính là một minh chứng cụ thể.

Tác giả bài viết cũng cho biết, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân cũng là một phần trong chiến lược an ninh mạng của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với an ninh mạng và hướng dẫn người dân cách thức tự bảo vệ cá nhân mình trên không gian mạng. Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao năng lực an ninh mạng của Việt Nam mà còn góp phần vào nỗ lực chung nhằm duy trì an ninh mạng toàn cầu.

Tuy nhiên, tác giả bài báo cũng lưu ý những thách thức trên môi trường không gian mạng luôn hiện hữu đòi hỏi sự cảnh giác thường xuyên và liên tục. Từ đó, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề về thiếu hụt kỹ năng đảm bảo an toàn an ninh mạng.

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM HƯỚNG TỚI SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU LÚA GẠO BỀN VỮNG

Đề cập đến vấn đề an ninh lương thực đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trang bnn.network của Canada cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như nỗ lực ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu đối với nguồn cung lương thực.  

Bài viết nhận định nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước các mối đe dọa toàn cầu đối với nguồn cung lương thực, Chính phủ Việt Nam đã tập trung thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo bền vững, phấn đấu sản xuất hơn 43 triệu tấn gạo trong những năm tới. Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong thị trường gạo toàn cầu. Sản lượng gạo của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với sản lượng gạo năm nay dự kiến vượt 43 triệu tấn, xuất khẩu gạo ước đạt 7,8 triệu tấn, tăng so với mức hơn 7,1 triệu tấn năm 2022. Chính phủ cũng cam kết thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững để duy trì nguồn cung gạo ổn định và góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Song song với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang giải quyết các mối đe dọa nguồn cung toàn cầu như giá gạo ngày một tăng cao do tình trạng biến đổi khí hậu khiến thiếu hụt trầm trọng lượng nước sử dụng trong nông nghiệp.

Bài viết cũng cho biết, nhằm cân bằng thị trường nội địa và xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam nỗ lực quản lý thận trọng nguồn cung gạo, đặt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời đóng góp vào thương mại gạo quốc tế.

Tác giả bài viết nhấn mạnh, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam phản ánh cam kết của Việt Nam đối với an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Bằng cách lập kế hoạch chiến lược cho các vùng trọng điểm trồng lúa và thúc đẩy sản xuất lúa gạo, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.     

DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HƯỞNG LỢI TỪ DU LỊCH PHỤC HỒI

Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch tại Việt Nam trong thời gian gần đây đã giúp nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phát triển. Đây là thông tin được đăng tải trên tờ The Star của Malaysia.         

Bài viết lấy dẫn chứng Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hội An đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong quý 2 khi ghi nhận mức doanh thu 23,3 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty này nửa đầu năm nay đạt 720 triệu đồng.

Một đơn vị khác, Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay công bố mức lãi sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng có một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và du lịch hoạt động khó khăn hơn. Từ đó, bài báo cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này về lãi suất cho vay và thuế thu nhập doanh nghiệp.        

LÀO TRIỂN KHAI GIAO DỊCH MÃ QR VỚI VIỆT NAM, THÁI LAN, CAMPUCHIA

Trong quý IV/2023, Lào sẽ thí điểm áp dụng thanh toán bằng mã QR với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Tờ Khmertimeskh đăng tải thông tin cho biết, việc cho phép thực hiện các giao dịch bằng mã QR với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc việc chuyển tiền và thanh toán của người lao động và khách du lịch của các nước.         

Hiện ngân hàng trung ương của các nước đang làm việc với các ngân hàng thương mại để triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết. Khi được triển khai, hệ thống giao dịch bằng mã QR sẽ giúp công dân Lào ở các nước khác chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, tiết kiệm chi phí dịch vụ, đồng thời tránh được những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng các kênh chuyển tiền khác. Cùng với đó, việc áp dụng thanh toán bằng mã QR sẽ giúp du khách Việt Nam, Thái Lan và Campuchia thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch trong thời gian lưu trú tại Lào mà không cần mang theo tiền mặt.

Theo thống kê, hiện có 303.391 công dân Lào đang làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm, những người này gửi về Lào khoảng 426 triệu USD, một đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và nguồn ngoại tệ của đất nước.     

TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM HỘI NHẬP SÂU RỘNG VÀO KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

Từ tháng 6/2023, Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ bổ sung của Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (ABU). Thông tin này được đăng tải trên số mới nhất của Tạp chí Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương ABU News. 

Bài viết trên Tạp chí Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (ABU) phát hành trong quý II/2023, nêu rõ, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đóng vai trò là cơ quan truyền thông chính thức của Quốc hội Việt Nam, đưa tin toàn diện về các hoạt động của cơ quan lập pháp cấp cao nhất và Hội đồng nhân dân các cấp. Ngoài các chương trình về hoạt động của Quốc hội, với vai trò là 1 trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, Truyền hình Quốc hội Việt Nam còn truyền tải đầy đủ thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua các hệ thống bản tin thời sự, chuyên đề, tọa đàm…

ABU là hiệp hội phát thanh - truyền hình lớn nhất thế giới, với mạng lưới gồm 256 thành viên tại 69 quốc gia trên thế giới. Cùng với Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam trở thành cơ quan truyền thông thứ 3 của Việt Nam là thành viên của ABU. Khi trở thành thành viên của ABU, Truyền hình Quốc hội Việt Nam có cơ hội khai thác nguồn tài nguyên chương trình to lớn cũng như đóng góp nguồn tài nguyên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam cho ABU, thể hiện tinh thần hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế.      

VIỆT NAM LÀ MỘT “LỰA CHỌN THÚ VỊ” CHO CÁC CÔNG TY QUY MÔ VỪA

Với tiêu đề “Đầu tư vào Việt Nam”, tạp chí Kinh tế và xã hội PT-Magazin của Đức đã đăng tải bài viết nhận định các doanh nghiệp quy mô vừa trên thế giới đang coi Việt Nam là một “lựa chọn thú vị” trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Bài báo cũng phân tích cụ thể những ưu điểm khi đầu tư vào Việt Nam cũng như đưa ra những lời khuyên cho các doanh nghiệp trên thế giới muốn thử sức tại thị trường mới nổi này.    

Mở đầu bài viết, tác giả nhận định: là một trong những quốc gia đang phát triển với chính sách tiếp cận thị trường tự do, Việt Nam hiện là nước đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong năm 2022 đã có trên 25 tỷ euro vốn FDI chảy vào Việt Nam, đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và các nhà đầu tư chủ yếu từ châu Á. Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn những địa điểm nổi tiếng và đã được thử nghiệm ở Việt Nam, như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ở phía Nam, hay Bắc Ninh và Hải Phòng ở miền Bắc và Đà Nẵng ở miền Trung.

Hai yếu tố “trong nước” và “toàn cầu” là lý do được nhận định khiến Việt Nam trở thành trung tâm của nhiều chuỗi cung ứng. Trong nước, Việt Nam có thể vẫn có thế mạnh với chi phí tương đối thấp. Hơn nữa, Việt Nam có nền chính trị ổn định, cho phép các doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh tin cậy. Trên thế giới, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA) cũng như từ các hiệp định của ASEAN. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đặc biệt hấp dẫn khi hàng hóa được xuất vào EU hay hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam có thể tìm thấy khách hàng ở các nước Đông Nam Á khác.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tác giả bài báo đã đưa ra những lời khuyên hữu ích. Trước hết, việc tích hợp một cơ sở sản xuất ở Việt Nam vào chuỗi cung ứng của một công ty nước ngoài cũng đòi hỏi một kế hoạch cẩn thận. Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh và mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng cụ thể (như nguồn gốc nguyên liệu thô, được sản xuất dành riêng cho xuất khẩu hay cho thị trường nội địa...), có nhiều mô hình khác nhau để mô phỏng các giao dịch tương ứng từ góc nhìn hải quan và thuế quan ở Việt Nam. Chẳng hạn tùy thuộc vào khối lượng giao dịch, vấn đề dòng tiền có thể tạo ra sự khác biệt về kinh tế thông qua việc liệu thuế doanh thu được tính, được hoàn trả hay hoàn toàn không phát sinh.

Nhằm được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam cần kiểm tra cẩn thận từng trường hợp xem liệu các ưu đãi đó có áp dụng đối với các sản phẩm và nguyên liệu thô được dùng cho sản xuất hay không. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá nguồn gốc địa lý của một sản phẩm có thể là vấn đề quan trọng dựa trên các quy định liên quan và cũng có thể dẫn đến các kết quả khác nhau tuỳ thuộc vào quy định được áp dụng.

Kết bài, tác giả bài báo nhấn mạnh để bắt đầu một dự án FDI tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài phải tập trung chủ yếu vào các khía cạnh pháp lý và chuẩn bị sẵn các tài liệu cần có để có được các giấy phép và chứng chỉ cần thiết. Ngoài ra, có thể có nhiều lựa chọn để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh từ góc độ luật thuế Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do và các quy định hải quan.      

ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI LÀ YẾU TỐ CHÍNH GIÚP VIỆT NAM ĐẠT MỨC TĂNG TRƯỞNG

Cũng đề cập đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam, trang fibre2fashion.com của Ấn Độ cho biết Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng DBS (Singapore) nhận định đây là yếu tố chính khiến kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. 

Theo trang fibre2fashion.com, trong đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 của hai tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng DBS, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký mới trong nửa đầu năm 2023 tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2022, Ngân hàng DBS coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của FDI. Điều này có được là nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất trong nước, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hệ sinh thái điện tử gia tăng mang lại triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng tại Việt Nam thời gian gần đây.

Cả hai tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng DBS cũng đều nhận định việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ, giảm thuế và tăng chi tiêu công đã giúp giảm thiểu tác động không mong muốn của nền kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện cho đầu tư FDI phát triển.

Tác giả bài viết đưa ra nhận định, việc tăng đầu tư FDI kết hợp với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 là 3,72% là tín hiệu lạc quan cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Từ đó, lạm phát nhiều khả năng sẽ được kiểm soát dưới mức 4,5% như Ngân hàng Nhà nước đề ra.                   

NHỮNG ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH KHI ĐẶT CHÂN TỚI VIỆT NAM

Phần cuối chương trình như thường lệ là mục Ấn tượng Việt Nam.

“Từ những con phố đông đúc đến vùng biển yên bình, từ những cao nguyên xanh tươi đến những hòn đảo thơ mông. Nếu bạn đang tìm kiếm sự phiêu lưu, thư giãn, khám phá nền ẩm thực đường phố thì Việt Nam sẽ để lại ấn tượng khó phai trong bạn.” Đây là những chia sẻ của tác giả Et Al. Desk trong bài viết có tựa đề “Những điểm đến hấp dẫn du khách khi đặt chân tới Việt Nam” được đăng tải trên tờ India express của Ấn Độ.

Điểm đầu tiên mà tác giả Et Al. Desk cho rằng các du khách nên đến khi ghé thăm khi đặt chân tới Việt Nam đó là thủ đô Hà Nội với 36 phố phường. Tại phố cổ Hà Nội, du khách sẽ được khám phá những con đường và những ngôi nhà cổ kính. Nơi đây cũng nổi tiếng với nhiều món ăn tinh tế như phở, bún chả… chiều lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Sau khi đắm chìm với vẻ thơ mộng của phố cổ thì đi phượt Hà Giang là một trải nghiệm thú vị với những ai thích phiêu lưu mạo hiểm. Du khách sẽ được đi trên những con đường mòn gập ghềnh, ngắm nhìn khung cảnh ngoạn mục về vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tôc với những cánh đồng lúa bát ngát đẹp ngỡ ngàng.

Thỏa niềm đam mê với núi non hùng vĩ, du khách hãy hòa mình vào làn nước xanh mát tại vịnh Hạ Long. Chèo thuyền kayak là lựa chọn thú vị khi du khách muốn hít thở bầu không khí thoáng đãng và nghe thanh âm của thiên nhiên.

Và chợ nổi Cái Răng là địa điểm không thể bỏ qua dành cho những ai đang tìm kiếm trải nghiệm mua sắm có một không hai. Nơi đây mang đến những đặc sản bản địa có một không hai trên các nhà hàng nổi giữa không gian sông nước bao la.

Sau những chuyến khám phá thi vị, Phú Quốc là nơi lý tưởng để du khách thư giãn. Những hoạt động như đi bộ trên bãi cát trắng trải dài, bơi lội trong làn nước biển ấm áp hoặc lặn ngắm những rạn san hô tuyệt đẹp đang chờ đón du khách tại đây.

Kết bài, tác giả không quên nhắn nhủ bạn đọc hãy sắp xếp hành lý, không quên máy ảnh để dành cho mình một chuyến du lịch đáng nhớ tại quốc gia hấp dẫn này.       

Thu Ngoan -

Hà Thu