Điểm báo: Cơ hội cho gạo Việt Nam tăng tốc

Cơ hội cho gạo Việt Nam tăng tốc; Khi nhà cổ Hội An bị rao bán; Đau đầu giải bài toán hàng Việt “vô danh” trên thị trường quốc tế; Tình hình dòng vốn ngoại rót vào bất động sản ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 18/7/2023.

CƠ HỘI CHO GẠO VIỆT NAM TĂNG TỐC!

Trước việc Ấn Độ xem xét việc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo để kìm giá trong nước, cộng với tồn kho gạo toàn cầu giảm mạnh, các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam. Bài viết trên Nông thôn ngày nay.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu gạo với giá cao khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì hiện tượng El Nino, khiến năng suất giảm. Minh chứng là thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng mua gạo từ Indonesia, Hàn Quốc, Philippines...

Thậm chí có doanh nghiệp đã “vét” sạch hàng gạo tồn kho để bán cho khách hàng. Theo báo Nông thôn ngày nay, giá gạo tăng cao đương nhiên nông dân rất vui mừng vì bà con cũng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, việc điều hành chính sách xuất khẩu gạo cũng cần được tính toán, xem xét cẩn trọng, để vừa chớp thời cơ, nhưng cũng đảm bảo an ninh lương thực trong nước. 

KHI NHÀ CỔ HỘI AN BỊ RAO BÁN

Đô thị cổ Hội An nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng bảo tồn, gìn giữ nhà cổ Hội An là việc làm vô cùng gian nan, nhất là vấn đề buôn bán, sang nhượng nhà cổ đã và đang diễn ra. Báo Đại đoàn kết có bài viết “Khi nhà cổ Hội An bị rao bán.”

Theo Đại đoàn kết, 10 năm qua, việc mua bán, chuyển nhượng chiếm khoảng 20% trong tổng số gần 1.200 ngôi nhà trong khu phố cổ. Các nhà cổ nếu thuộc tư nhân quản lý thì việc mua bán chuyển nhượng, không có quy định nào cấm hay không cho phép cả. Chính quyền cũng không thể can thiệp, vì đó quyền lợi của họ. Vấn đề này cũng là nỗi lo của thành phố trong việc gìn giữ hồn phố cổ Hội An. Hiện chỉ còn khoảng 30% người gốc Hội An còn ở trong đó. Bên cạnh đó, do là nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên có chỗ bị hư hại nhiều và nguy cơ xuống cấp. 

ĐAU ĐẦU GIẢI BÀI TOÁN HÀNG VIỆT “VÔ DANH” TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam tuy đứng nhất, nhì thế giới, nhưng người tiêu dùng tại những thị trường lớn lại không biết đến thương hiệu Việt. Theo báo Kinh tế và Đô thị, làm sao để xây dựng, giữ được thương hiệu Việt đang là bài toán khiến các nhà quản lý và doanh nghiệp đau đầu.

Một ví dụ cho thấy, mặc dù Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn cà phê ra thị trường thế giới, nhưng hiện trong các siêu thị của Hoa Kỳ hầu như không có cà phê Việt Nam, mà chỉ xuất hiện ở siêu thị của người Việt. Báo Kinh tế và Đô thị cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU, trước mắt cần xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thông qua chuyên gia tư vấn, đơn vị tư vấn xuất khẩu tìm hiểu các bước thâm nhập vào thị trường nước sở tại, khi đó mới có được sản phẩm phù hợp với thị trường, thu hút người mua.

TÌNH HÌNH DÒNG VỐN NGOẠI RÓT VÀO BẤT ĐỘNG SẢN

Liên quan đến tình hình dòng vốn ngoại rót vào bất động sản, theo báo Giáo dục và thời đại, nhóm ngành bất động sản ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm sút mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo Giáo dục và thời đại, để dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh, trở thành "cú hích" cho thị trường, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện khung pháp lý cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Hiện thu hút FDI vào bất động sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Cụ thể, một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai. Trong đó, các vấn đề về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài.