Điểm báo: Bạo lực học đường gia tăng - Mới xử lý phần “ngọn”?

Bạo lực học đường gia tăng: Mới xử lý phần “ngọn”?; Học sinh THCS đi xe máy đến trường: Vừa xử phạt, vừa giáo dục; Buôn lậu ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; Doanh nghiệp dè dặt với hàng Tết;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 15/11.

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG GIA TĂNG: MỚI XỬ LÝ PHẦN “NGỌN”?

Trong vòng 3 tháng trở lại đây, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 là nữ; bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra một vụ BLHĐ.  Dù nhiều hình thức xử lý được đưa ra nhưng dường như không làm các đối tượng gây nên hành vi bạo lực học đường biết sợ. Thông tin chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.

Theo đó, nếu giải quyết vấn đề BLHĐ đối với học sinh - khi sự việc đã diễn ra thì mới là xử lý phần ngọn; muốn triệt để giải quyết tình trạng này, phải bắt đầu từ gốc, đó là từ gia đình và xã hội. Theo bài viết, 3 giải pháp căn cơ cần đồng thời thực hiện để ngăn chặn hành vi BLHĐ. Thứ nhất, đẩy mạnh văn hóa học đường; duy trì bền bỉ, lâu dài công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức lối sống cho học sinh trong mọi nhà trường. Thứ hai, đẩy mạnh hình thức xử lý hành vi BLHĐ. Khi học sinh gây nên hành vi bạo lực, phải để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây nên trước cơ quan pháp luật. Thứ ba, nhà trường đưa ra các hình thức giáo dục tiếp theo với học sinh gây nên hành vi bạo lực như đọc sách, lao động... Gia đình, nhà trường, học sinh phải cam kết không để hành vi BLHĐ xảy ra. 

HỌC SINH THCS ĐI XE MÁY ĐẾN TRƯỜNG:  VỪA XỬ PHẠT, VỪA GIÁO DỤC

Những năm gần đây có nhiều học sinh THCS (dưới 16 tuổi) đi xe mô tô, xe máy điện đến trường. Thực tế này cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh để quản lý, giám sát các em chặt chẽ hơn.

Việc học sinh THCS tự ý điều khiển xe mô tô, xe máy điện đến trường là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế không thể đảm bảo 100% học sinh không lái xe gắn máy đến trường. Một số trường hợp cá biệt, mặc dù nhà trường và gia đình đã giáo dục nhưng các em muốn chứng minh là người lớn, biết lái xe nên thể hiện, trốn tránh nhà trường gửi xe bên ngoài. Dù phương pháp hiện nay mới chỉ là nhắc nhở với lần đầu vi phạm và xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu nếu vi phạm nhiều lần, tuy nhiên, căn cơ nhất vẫn là cần sự phối hợp giáo dục và cam kết từ phụ huynh không giao xe khi con chưa đủ tuổi, từng bước vừa truyền thông vừa nhắc nhở, vừa kiểm tra giúp học sinh nhận thức tốt hơn khi tham gia giao thông.     

BUÔN LẬU, BUÔN MA TÚY TIẾP TỤC DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Theo Tổng cục hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong những tháng cuối năm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới.

Tội phạm sử dụng ma túy ngụy trang, núp bóng dưới 2 dạng: Các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có giấy phép của cơ quan chức năng, hoặc ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các đối tượng chế biến, sản xuất những loại ma túy mới, chưa có trong danh mục cấm pha, trộn trong dung dịch thuốc lá điện tử (thành phần trong thuốc lá điện tử có chứa nicotine - một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của trẻ)...     

DOANH NGHIỆP DÈ DẶT VỚI HÀNG TẾT

Tâm lý thắt chặt chi tiêu tiếp tục bao trùm thị trường hàng hóa Tết năm nay. Doanh nghiệp sản xuất, các hộ kinh doanh và siêu thị đều dè dặt nhập hàng, khác hẳn với mọi năm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, năm nay, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng. Nhận định thị trường có nhiều yếu tố bất định, nhiều sự thay đổi, các chuyên gia cho rằng, để đối phó với những thay đổi, doanh nghiệp cần chú ý tới chất lượng hàng hóa, xây dựng hệ thống dịch vụ để người tiêu dùng thêm hài lòng. Doanh nghiệp phải có sự thích ứng với những thay đổi, đó là điều quan trọng nhất hiện nay. Sức mua quyết định tỷ lệ lớn trong tăng trưởng kinh tế của cả doanh nghiệp và đất nước.

Ngô Trang