Điểm báo 12/11: Thêm gánh nặng khi điện tăng giá

Thêm gánh nặng khi điện tăng giá; Rò rỉ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng: Chủ yếu do bất cẩn; Ngóng chính sách điện mặt trời áp mái; Khoảng trống nhân viên y tế học đường; Ùn tắc giao thông ở Hà Nội: ‘Căn bệnh’ mạn tính cần chữa trị nhanh chóng... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 12/11.

THÊM GÁNH NẶNG KHI ĐIỆN TĂNG GIÁ

Đầu tiên là bài viết đáng chú ý trên báo Tiền Phong. Giá điện tăng 4,5%, làm không ít doanh nghiệp, người dân thêm gánh nặng, đồng thời lo ngại tình trạng “té nước theo mưa”.

Trong năm 2023, giá điện đã hai lần điều chỉnh tăng thêm tổng cộng 7,5%. Cùng với điện, giá xăng, gas... tăng đã gây hiệu ứng domino lên chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo. Trong khi sản phẩm cuối cùng chỉ cần nhích thêm 1 - 2 giá đã không ai mua. Điều này khiến nhiều người dân cũng như doanh nghiệp thật sự lo lắng trong mùa kinh doanh cuối năm. Theo các chuyên gia trong tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng giá điện cũng sẽ làm giá cả sản phẩm tăng theo, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều ban ngành như giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp; kết nối, mở rộng thị trường kinh doanh; tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động...

RÒ RỈ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG:  CHỦ YẾU DO BẤT CẨN

Trong số hàng trăm vụ tố giác tội phạm liên quan đến rò rỉ hoặc bị bán dữ liệu cá nhân, nhiều nạn nhân trình báo việc bị chiếm đoạt số tiền lớn hàng tỷ đồng. Điều đáng nói, phần lớn người dùng mạng xã hội bị đánh cắp thông tin cá nhân lại xuất phát từ chính sự bất cẩn của chính mình.

Người dùng mạng hiện có xu hướng đăng tải, cung cấp, chia sẻ dữ liệu cá nhân, đời sống hàng ngày như đăng tải dữ liệu của bản thân lên mạng xã hội (trạng thái, hình ảnh, thông tin đời tư, quan hệ gia đình...), cung cấp dữ liệu cá nhân của bản thân cho các chủ thể không uy tín trên mạng mà không kiểm chứng, xác thực rõ ràng trước khi cung cấp, từ đó dẫn đến lộ lọt thông tin. Theo đó, cần phải có giải pháp cấp bách để bảo đảm về an toàn thông tin cá nhân, bảo vệ quyền con người và phát huy quyền làm chủ của người dân. Đây cũng là giá trị cốt lõi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp lý nhiều cấp.

NGÓNG CHÍNH SÁCH ĐIỆN MẶT TRỜI ÁP MÁI

Tuần qua, chính sách cho điện mặt trời áp mái một lần nữa được nhắc đến tại nghị trường Quốc hội. Báo Tuổi trẻ có bài viết "Ngóng chính sách điện mặt trời áp mái".

Theo tờ Tuổi trẻ, Bộ Công Thương sẽ đề xuất xây dựng cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái bao gồm nhiều đối tượng tham gia và phù hợp thực tiễn để thúc đẩy nguồn điện này. Thời gian triển khai xây dựng nghị định có thể mất hơn bốn tháng. Trong khi chờ đợi chính sách mới, nhiều doanh nghiệp điện mặt trời lẫn các doanh nghiệp sản xuất đều rất "nóng ruột" khi vẫn chưa có quy định cụ thể kể từ khi cơ chế khuyến khích hết hiệu lực từ năm 2020.

KHOẢNG TRỐNG NHÂN VIÊN Y TẾ HỌC ĐƯỜNG

Theo Báo Lao Động, hiện công tác y tế học đường vẫn còn những hạn chế và khó khăn. Trong khi đó, đây là nơi sơ cứu ban đầu cho học sinh trước khi chuyển đến bệnh viện. "Khoảng trống nhân viên y tế học đường" là tiêu đề bài viết trên báo Lao Động.

Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực cũng như ngân sách, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó, tồn tại thực trạng không tuyển được cán bộ đúng chuyên môn hoặc kiêm nhiệm vị trí. Báo Lao Động trích dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng, lý do là lương quá thấp, lương tối thiểu vùng chỉ hơn 4.000.000 đồng. Và thời gian làm việc thì kéo dài từ 6h30 - 17h. Thời gian và mức lương cho công việc này chưa tương xứng. 

ÙN TẮC GIAO THÔNG Ở HÀ NỘI: ‘CĂN BỆNH’ MẠN TÍNH CẦN CHỮA TRỊ NHANH CHÓNG 

Thành phố Hà Nội có khoảng 7,9 triệu phương tiện tham gia giao thông, hệ thống vận tải hành khách công cộng của thủ đô mới đảm nhận được thị phần vận tải khoảng 19,5%. Câu chuyện ùn tắc giao thông vẫn đang là vấn nạn ở các thành phố Hà Nội, nơi có dân số đông thứ hai cả nước. Hà Nội cần có biện pháp gì để giải quyết ‘căn bệnh' này?

Đưa ra nhóm giải pháp quan trọng nhằm phát triển mạng lưới vận tải hàng khách vận tải công cộng, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; cải thiện mạng lưới tuyến buýt; Thực hiện chuyển đổi xanh từng bước đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào khai thác theo lộ trình; tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông là nhóm giải pháp mang tính đột phá. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biển pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông…

Truyền hình Quốc hội Việt Nam