Điểm báo: Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng kinh tế

Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng kinh tế; tránh sập bẫy lừa đảo đầu tư chứng khoán; giải bài toán trạm sạc để phát triển xe điện; hà nội vẫn khó xử lý các dự án “treo”... Là những tin có trong điểm báo sáng 11/11.

KÍCH CẦU TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 

Ngay sau đây, mời quý vị cùng tôi điểm qua một số bài viết nổi bật được các báo đăng tải sáng nay.     Thông tin đáng chú trên trang nhất báo Kinh tế và đô thị cuối tuần hôm naycó bài viết về việc kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng kinh tế. Theo đó, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, từ tháng 7/2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8%. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng; người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng nên thị trường nội địa cũng là “miếng bánh”hấp dẫn để DN khai thác trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt phải giá cả cạnh tranh hàng ngoại nhập trong khi chất lượng tương đương. Vì vậy, với nhiều DN để quay trở lại sân nhà đòi hỏi Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng
mối liên kết với nhà bán lẻ, qua đó kích thích tiêu dùng, khôi phục và ổn định kinh tế.

TRÁNH SẬP BẪY LỪA ĐẢO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Mượn danh chuyên gia để lôi kéo nhà đầu tư tham gia các lớp giảng dạy chứng khoán, thậm chí một số đối tượng còn giả mạo văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để kêu gọi đầu tư, giao dịch. Lừa đảo đầu tư chứng khoán gia tăng, nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác để tránh sập bẫy. Thông tin
đang chú ý đăng tải trên trang nhất báo Đại đoàn kết ngày hôm nay. Những câu hỏi như: mã cổ phiếu nào tiềm năng, mã cổ phiếu nào sinh lợi tốt, đầu tư vào quỹ nào cho ổn định... trở thành câu hỏi được quan tâm nhất của nhà đầu tư. Từ đó, các hội nhóm được lập ra để phần nào giải đáp yêu cầu của nhà đầu tư. Song đầu tư là gắn liền với các biến số phức tạp. Vì vậy, nhà đầu tư nếu như không tự trang bị kiến thức tài chính cho mình mà chỉ đầu tư theo hô hào, theo hội nhóm là đánh cược đỏ đen. Để bản thân không trở thành miếng mồi béo bở của đối tượng lừa đảo người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những lời dụ dỗ bỏ tiền có lãi lớn, kiếm được nhiều tiền như lời giới thiệu của các đối tượng lừa đảo đưa ra.

GIẢI BÀI TOÁN TRẠM SẠC ĐỂ PHÁT TRIỂN XE ĐIỆN

Trong khi người tiêu dùng chờ có nhiều trạm sạc mới mua xe điện, đơn vị phát triển trạm sạc lại chờ lượng xe đủ nhiều mới đầu tư xây dựng. Hiện, các chính sách khuyến khích sử dụng xe điện cũng còn hạn chế.

Theo báo giao thông, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, quy mô thị trường xe điện còn nhỏ, hệ sinh thái xe điện chưa phát triển đồng bộ, cần thiết phải có các chính sách mạnh mẽ, đồng bộ để thúc đẩy. Một trong những giải pháp quan trọng là nhóm chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc. Theo một số chuyên gia, Để giải quyết bài toán cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có. Cần có những chính sách ưu đãi về tài chính, đầu tư, như: Bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp xe điện, pin xe điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; Miễn giảm thuế đối với việc nhập khẩu tổng thành linh kiện để sản xuất xe điện và pin xe điện. Đối với xe nhập khẩu, có chính sách ưu đãi thuế với xe điện so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.

HÀ NỘI VẪN KHÓ XỬ LÝ CÁC DỰ ÁN“TREO”

Khép lại chuyên mục điểm báo hôm nay, 1 bài viết trên báo VOV cho hay đến giữa năm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 700 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, với tổng diện tích gần 5.000 ha. Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã rất quyết tâm, chỉ đạo các ban, ngành đơn vị liên quan vào cuộc rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai trên địa bàn, nhưng đến nay việc xử lý các dự án này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

1 vài dự án như Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, khởi công tháng 5/2011 tại quận Nam Từ Liêm; Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt rộng 35ha tại quận Hoàng Mai… Thực trạng này không chỉ khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý mà còn ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị. Dù các dự án đã có văn bản báo cáo Hội đồng nhân dân quận đề xuất dừng các dự án này. Việc dự án chậm triển khai xảy ra tình trạng lấn chiếm, khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý. Và thực tế cho thấy, việc thực hiện thu hồi cũng rất khó khăn khi một số quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam