COP26 |Số 3|: Việt Nam cần làm gì để nắm bắt được cơ hội thương mại hoá carbon rừng

Việt Nam có thể bán tới 50 triệu tín chỉ carbon rừng để thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là đóng góp với ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu theo Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Xây dựng Thị trường tín chỉ carbon và vận hành thị trường này là việc Việt Nam cần làm. Nhưng chúng ta sẽ làm gì và làm thế nào?

TÍN CHỈ CARBON RỪNG LÀ GÌ?

Tín chỉ carbon được hiểu là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Những công ty, doanh nghiệp gây ô nhiễm được quy định hạn mức thải CO2 nhất định, nếu muốn thải quá hạn mức thì phải mua thêm hạn mức thông qua tín chỉ carbon. Hiện trên thế giới có khoảng 1400 công ty sẵn sàng chi ra 7 tỷ USD để mua loại hàng hóa đặc biệt này.

Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.  Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương. Việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ. Hiện trên thị trường thế giới mỗi tín chỉ giá khoảng 5 USD.

Các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng từ kết quả hoạt động REDD+ tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Trong đó, REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng; Hạn chế suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng carbon rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Tăng cường trữ lượng carbon rừng.

TIỀM NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON RỪNG TẠI VIỆT NAM

Theo thống kê, năm 2020, trữ lượng rừng của Việt Nam là khoảng 990 triệu m3. Dự tính 10 năm tới con số này sẽ tăng lên 1.250 triệu m3. Với trữ lượng rừng này và cách thức quy đổi 1 tấn CO2 tương đương 1 tín chỉ carbon rừng thì mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon rừng. 

Thực tế, Việt Nam chưa xác định được nhu cầu mua bán tín chỉ carbon trong nước nên thị trường quốc tế đang là kênh duy nhất để tạo ra thặng dư từ rừng. 

MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM TẠI QUẢNG NAM

Từ giữa năm 2021, Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng. Ngay sau khi được sự đồng ý từ Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đang tiến hành khẩn trương làm các thủ tục. Sau khi hoàn thành các thủ tục để lập dự án sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế và mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Theo kế hoạch, Quảng Nam dự tính sẽ xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn thí điểm (2021-2025). Cụ thể, năm 2021 sẽ bán 1,2 triệu tấn CO2; từ năm 2021 đến năm 2025, mỗi năm bán bình quân 0,8 triệu tấn CO2. Sau khi tiến hành tổng kết thí điểm, từ năm 2026, mỗi năm bán 1,2 triệu tấn CO2. Với giá bán ít nhất là 5 USD/tấn CO2. Khi đề án được thực hiện sẽ mang lại cho tỉnh Quảng Nam nguồn thu từ 110 tỉ đến 130 tỉ đồng/năm, cao hơn nguồn thu dịch vụ môi trường rừng và bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hằng năm của trung ương và địa phương vào lâm nghiệp.

THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON RỪNG VIỆT NAM VẪN CÒN ĐIỂM NGHẼN

Dù có tiềm năng và được người dân hết sức mong chờ, thị trường tín chỉ carbon rừng của Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức thí điểm. Theo chia sẻ của các địa phương, cái khó nhất để chuyển tín chỉ carbon rừng thành tiền là hiện Việt Nam chưa hình thành thị trường tín chỉ carbon ở trong nước. Do đó, không có cơ sở để thực hiện việc chuyển nhượng tín chỉ này với người mua. 

Không chỉ có vậy, theo các chuyên gia chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý để thừa nhận carbon rừng là một loại hàng hóa. Có thể hiểu, cây gỗ khi đang đứng trong rừng, nó sẽ lưu trữ một lượng carbon, lượng carbon ấy phải được thừa nhận là hàng hóa để có thể bán được giống như là gỗ hay hoa trái có trên cây. Một vấn đề khác nữa là người chuyển quyền lượng carbon trữ trong cái cây ấy sẽ là ai thì cũng chưa có văn bản nào quy định rõ. 

Việc xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon là một trong những yếu tố bắt buộc để Việt Nam và các nước đạt được mục tiêu đề ra của Thỏa Thuận Paris cũng như giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn tài chính quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có sự nhất quán về phương pháp và quy trình quốc tế thông qua bởi các bên tham gia thỏa thuận Paris, đồng thời xây dựng quy trình chính sách mới như các nước đã xây dựng với thị trường carbon nội địa bắt buộc của mình. Vậy trước thực trạng còn thiếu nhiều quy định liên quan tới việc mua bán tín chỉ carbon rừng, mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? 

Để cùng bàn về vấn đề này, phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS NGUYỄN ĐÌNH TIẾN - Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế tài nguyên và Bất động sản, Trường ĐHKT Quốc gia

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.
 

Kim Thanh- Kim Thoa- Hiền Trang