Alo cử tri: Nhiều xưởng gỗ trái phép mọc trên đất nông, lâm nghiệp ở Hòa Bình

Gần đây, đường dây nóng của chương trình Alo cử tri nhận được nhiều phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình liên quan đến việc nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi những xưởng gỗ hoạt động trái phép trên đất nông, lâm nghiệp.

Khu vực thôn 3, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vốn là đất nông trường dùng để trồng cây lâm nghiệp, tuy nhiên mấy tháng nay đã bị bêtông hóa, nhà xưởng, mọc lên. Hàng ngày, máy móc hoạt động hết công xuất, xe lớn bé ra vào khu vực này diễn ra rầm rộ.

Tương tự, tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, xưởng chế biến gỗ dăm quy mô lớn cũng được mọc trái phép trên đất nông nghiệp, không đảm bảo PCCC. Dây chuyền sản xuất hết công suất. Rác thải chất cao như núi, tập kết khắp nơi, người dân địa phương cho biết, mỗi khi mưa, nước ngấm vào vỏ gỗ chảy ra ruộng làm ảnh hưởng đến hoa màu của bà con.

Không những xây dựng nhà xưởng trái phép, chủ cơ sở còn lập ra bến thủy nội địa tự phát như thế này, đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lạc Thủy cho biết, hồi tháng 3/2023, đoàn liên ngành của UBND huyện đã xuống kiểm tra, lập biên bản, phát hiện, hơn 7.000m2 đất nông nghiệp đã bị “hô biến” thành nhà xưởng băm dăm gỗ, bến thủy nội địa trái phép. Không giấy phép xây dựng, không được cấp phép bến thủy nội địa, nhưng suốt thời gian dài xưởng chế biến gỗ này vẫn ngang nhiên hoạt động, dù cách UBND xã Phú Nghĩa không xa.

Điểm chung của các xưởng chế biến lâm sản trái phép là chưa đầy đủ thủ tục hay chưa được cấp phép xây dựng. Như xưởng sản xuất lâm sản này thuộc xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, san đồi, lấp ruộng để làm sân kho, dây chuyền chế biến lâm sản. Những đồi cam, vườn bưởi dần dần mất đi, thay vào đó là những nhà xưởng, sân kho bêtông. Không đảm bảo PCCC, môi trường, hoạt động vận tải rầm rộ, các xe tải trọng lớn hàng ngày hoành hành trên đường làng.

Theo khảo sát của uphóng viên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang xuất hiện hàng chục xưởng gỗ trái phép mọc trên đất nông, lâm nghiệp, tập trung ở một số huyện như Lạc Thủy và Kim Bôi... Nguyên nhân do giá thành gỗ dăm thời gian vừa rồi tăng cao, không muốn qua khâu trung gian, nên nhiều người dân tự ý lập nhà xưởng trên đất nông, lâm nghiệp. Các nhà xưởng hoạt động thiếu sự quản lý, giám sát, chủ cơ sở làm nhanh chóng tạm bợ, dẫn đến nguy cơ cháy nổ mùa nắng nóng, hay ô nhiễm vào mùa mưa.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam