Alo cử tri: Người dân "sống treo" gần 30 năm cùng dự án giữa lòng thủ đô

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân từ tại phường Phúc Xã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đã gọi điện đến đường dây nóng của Chương trình “A lô cử tri” phản ánh về việc năm 1994 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sông Hồng City. Thế nhưng đã 28 năm trôi qua từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư, bảng tên dự án đã nhiều lần treo lên rồi gỡ xuống còn người dân thì vẫn chưa ngày nào được ổn định sống trong chính ngôi nhà mình khi rất nhiều hộ dân có đất tại đây không được cấp sổ đỏ, không thể xây sửa nhà dù chật chội, bất tiện. Ghi nhận của PV THQH Việt Nam.

Gia đình Bà Phạm Thị Tuyết đã sống mấy chục năm ở sâu trong một ngách nhỏ thuộc ngõ 15 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá. Căn nhà chưa được 10 m2, mặc dù đã xuống cấp từ lâu, nhưng do nằm trong khu vực được quy hoạch dự án Sông Hồng City cho nên không được sửa chữa, xây mới. Nhà đông con, lại không có kinh tế ổn định, gia đình bà chỉ có thể sửa tạm và cơi nới thêm một chút trên gác, vừa là nơi để đồ và cũng là chỗ ngả lưng của các thành viên trong gia đình.

Không chỉ có gia đình bà Tuyết, đây còn là vấn đề nhức nhối của hàng trăm hộ dân phường Phúc Xá. Gần 30 năm phải chịu cảnh “sống treo” cùng dự án, thì cũng là từng ấy thời gian cuộc sống của những người dân này hết sức bấp bênh, khi không được cấp “ sổ đỏ”, nhà cửa không được sửa chữa, xây mới. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, nhưng “đâu lại vào đấy”.

Thừa nhận trước việc cuộc sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng câu hỏi bao giờ dự án được triển khai, bao giờ người dân mới được di dời thì ngay đến cả UBND Phường Phúc Xá cũng không thể trả lời. Việc mà họ có thể làm đó là cố gắng “ làm ngơ” mỗi khi người dân cải tạo, sửa chữa nhỏ. Vì nếu không làm thì nhà sẽ sập.

Dự án Sông Hồng City hay còn gọi là Trấn Sông Hồng đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào ngày 1/8/1994 với mục tiêu xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê. Tuy nhiên sau gần 30 năm, không có bất cứ công trình quy mô nào được thực hiện. Đất dự án cũng bị sử dụng sai mục đích như làm bãi gửi xe, sân bóng hay điểm tập kết phế thải, vật liệu xây dựng.

Nguyên nhân được Hà Nội đưa ra là do khó khăn về tài chính cũng như do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng. Mặc dù pháp luật đều có các quy định để xử lý các dự án treo, thế nhưng trên thực tế thì không phải lúc nào cũng xử lý được, mà có xử lý thì cũng rất ít.

Theo tìm hiểu được biết, hiện dự án này đang được thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát và đề xuất phương án giải quyết phù hợp. Thế nhưng trong điệp khúc chờ đợi, thì người dân tại đây vẫn phải tiếp tục sống tạm bợ, lay lắt, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh sống “treo” cùng dự án.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam