• 1056 lượt xem
  • 03:37 05/09/2022
  • Xã hội

Vùng cao sáp nhập: Cán bộ đi lại khó khăn, tuyên truyền dân "không hiểu"

Việc sáp nhập xóm, tổ dân phố góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ sở. Tuy nhiên, tại nhiều nơi ở vùng cao của tỉnh Cao Bằng, sau khi sáp nhập, người dân đang đối diện với nhiều khó khăn, nhất là công tác quản lý, tuyên truyền ở địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số.

Địa hình khó khăn, khoảng cách địa lý xa xôi, có hộ cách nhà văn hoá 6,7 km nên hiếm khi người dân xóm Phúc Dùng có thể tụ họp đông đủ. Để tuyên truyền, nắm bắt tâm tư của người dân, cán bộ chính quyền buộc phải đi từng ngõ, đến từng nhà như thế này.

Anh LÝ VĂN TO, Xóm Phúc Dùng, xã Phi Hải, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng:Nói chung là xa xôi nên tôi cũng ít đến nhà văn hoá xóm sinh hoạt. Cán bộ cũng đến tuyên truyền chính sách, hỗ trợ bà con. Đi lại khó khăn lắm, mất nhiều thời gian hơn.”

Thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, cuối năm 2019, 3 xóm Cáp Tao, Khuổi Sàm, Khuổi Xỏm của xã Phi Hải, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng sáp nhập thành xóm Phúc Dùng. Sau sáp nhập xóm có khoảng 130 hộ dân với gần 600 nhân khẩu. Số lượng nhân khẩu tăng, dân cư sống rải rác nên công tác quản lý khá vất vả.

Anh HỒNG VĂN THUỴ, Phó Bí thư kiêm Công an viên xóm Phúc Dùng, xã Phi Hải, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng: “Như tôi đi tuyên truyền cho các hộ trong xóm khó khăn vì nhóm hộ đi lâu lâu, có khi 1, 2 hôm mới tới, để vận động về tập trung một chỗ rất khó.”

Khó nhất hiện nay là xóm có ba dân tộc cùng sinh sống là Mông, Tày, Nùng. Văn hóa, phong tục tập quán khác nhau nên cán bộ xóm phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, chia sẻ với bà con. Bản thân người dân cũng khó khăn trong giao tiếp vì khác ngôn ngữ.

Ông HỒNG VĂN PÁ, Xóm Phúc Dùng, xã Phi Hải, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng:Nhập mấy xóm có 3 dân tộc nên phong tục tập quán cũng khác. Dân tộc Tày, Nùng thì tập quán khác, dân tộc Mông khác nên cũng khó nói chuyện. Phải cố gắng để nói chuyện với nhau cho dễ hiểu thôi.”

Anh HỒNG VĂN THUỴ, Phó Bí thư kiêm Công an viên xóm Phúc Dùng, xã Phi Hải, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng: “Đi tuyên truyền bản thân tôi hiểu nhưng các anh Tày, Nùng bên kia không biết nghe tiếng dân tộc Mông nên gây khó khăn rất nhiều. Liên quan đến công việc hàng ngày bà con không hiểu rõ lắm. Nói tiếng đồng bào bà con hiểu rõ hơn.”

Thực tế cho thấy việc sáp nhập cơ học đang gây nhiều khó khăn cho những địa phương miền núi. Có những hộ cách điểm xóm 16, 17km trong khi giao thông chưa được đầu tư khiến cả người dân, cán bộ đều vất vả.

Bà NÔNG THỊ HÀ, Bí thư Huyện uỷ Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng: Hiện nay có một số xóm đang xin được chia tách trở lại nên chúng tôi tiếp tục động viên nhân dân, theo dõi thêm một thời gian nếu vẫn khó khăn sẽ xin chủ trương để đánh giá lại việc sáp nhập. Và đối với một số xóm nếu thực sự khó khăn sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân.”

Bên cạnh đó, chế độ thấp mà công việc, quãng đường di chuyển khó khăn dẫn đến một số nơi rất khó tìm ra cán bộ làm việc. Về lâu dài, nếu không có phương án hợp lý mà chỉ sáp nhập cơ học sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ.

Hà Lan – Việt Hà