• 2112 lượt xem
  • 22:59 22/04/2022
  • Văn hóa

Triển lãm bản Kiều chép tay của Hoàng gia nhà Nguyễn

Ngày 22/4 tại Trường lang Đại Cung Môn (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức triển lãm “Bản Kiều chép tay của hoàng gia nhà Nguyễn”. Đây cũng là sự kiện ý nghĩa hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

Trong lịch sử, những bản in Truyện Kiều xuất hiện sớm nhất đều vào thời vua Tự Đức, giai đoạn từ năm 1866-1872. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo, cuốn cổ thư bản Kiều chép tay của vua Tự Đức từng được bán ở một hiệu sách ở Paris (Pháp), sau đó được Thư viện Anh quốc sưu tập từ năm 1894 đến nay. Có lẽ bản Kiều này đã bị lấy đi tại sự kiện thất thủ kinh đô Huế vào năm 1885, khi quân viễn chinh Pháp xâm chiếm kinh đô, lấy đi nhiều báu vật và tư liệu quý. 

Bản Kiều chép tay này được nhận định là quyền sách đẹp nhất và cầu kỳ nhất về hình thức của sách bằng giấy dó trong lịch sử trung đại Việt Nam. Về ý kiến có phải là vua Tự Đức đích thân chép tay hay không, các nghiên cứu cho rằng cần làm sáng tỏ vì đã có chữ “phạm húy” trong bản Truyện Kiều này, một điều cấm kỵ trong văn bản hoàng gia.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG – PGD Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: “Có phải vua Tự Đức chép hay không chúng ta chưa nói ở đây nhưng nó là câu chuyện của 1 dòng chảy văn hóa đối với thư tịch cổ Việt Nam. Và trong Ngày sách Việt Nam có 1 bản Kiều mà chúng ta đều tiếp xúc trong chương trình giáo dục phổ thông, người ít thì thuộc vài câu, người giỏi thuộc tất cả Truyện Kiều. Đây là sản phẩm vừa vật chất lẫn tinh thần, nó tương tác cộng hưởng tạo ra giá trị khác”.

Đại đức THÍCH LÂM LỢI – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thừa Thiên Huế: “Ban tổ chức đã tổ chức cuộc triển lãm giúp cho mọi người biết thêm về bản Truyện Kiều. Đó là một kho tàng về chữ nghĩa, nhất là chữ Nôm, khiến các nhà nghiên cứu thế giới vẫn đang tìm tòi và quan tâm bản chữ Nôm này”.

Đây là một bản Kiều độc đáo vì được thực hiện công phu với cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, có tranh minh họa và cả chân dung của đại thi hào Nguyễn Du. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định, chính bản Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đưa công chúng thế giới đến gần hơn với Kiều thay vì bản gốc Đoạn trường Tân Thanh của Trung Quốc.

Tiểu Bảo