Toà án không từ chối, từ bỏ việc thu thập chứng cứ

Trách nhiệm của Toà án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án, đây là nội dung được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm khi góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi). Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý đối với nội dung này, theo đó, Toà án không từ chối, từ bỏ việc thu thập chứng cứ.

Dự thảo trước đây quy định, Toà án không có nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ. Góp ý cho Dự thảo luật, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành quy định này, nhưng cũng có nhiều ý kiến không tán thành và đề nghị quy định một số trường hợp Toà án thu thập chứng cứ, quy định việc hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH và Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Điều 15 của dự thảo Luật về Việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định những nhiệm vụ của Toà án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý về vấn đề này như trong báo cáo của Thường trực Uỷ ban Tư pháp.

Theo Thường trực Uỷ ban Tư pháp, cần tiếp tục rà soát để quy định lại cho chặt chẽ việc Tòa án thu thập chứng cứ ngay trong dự thảo Luật. Thực tiễn cho thấy, nếu Tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc. Mặt khác, việc quy định Tòa án thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tiễn của nước ta: về trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hoàn cảnh kinh tế của một bộ phận nhân dân, số lượng vụ việc có luật sư tham gia.

Quang Anh -

Quang Sỹ -

Anh Đức