Tiêu điểm: Cơ chế đặc thù TP. Cần Thơ - Điểm nhấn phát triển kinh tế vùng

Thành phố Cần Thơ có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ , đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Nhiều mục tiêu mang tầm chiến lược đã được thể hiện trong Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

ĐIỂM NGHẼN VỀ LOGISTICS TẠI LUỒNG HÀNG HẢI SÔNG HẬU

Sau hơn một năm đưa vào khai thác, tình trạng bồi lắng cùng những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc nạo vét khiến luồng sông Hậu ngày càng cạn, tàu lớn không thể vào cảng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải. 

Phỏng vấn Ông LÊ TIẾN CÔNG, Giám đốc Cảng Cái Cui, Tp.Cần Thơ: "Đến nay tuyến tàu trọng tải lớn qua Kênh Quan Chánh Bố vẫn chưa thông luồng, tàu 10 ngàn tấn trở lên không thể ra vào. Lưu lượng tàu hiện nay ra vào Kênh Quan Chánh Bố và cửa Sông Hậu, luồng Định An vẫn chưa đạt được theo yêu cầu kế hoạch đề ra;đoạn tuyến khoảng 3,8 km của luồng sông Hậu không nạo vét được."

Hiện nay, tàu vào sông Hậu có 2 luồng thì cả hai đều không thể tiếp nhận những tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn trở lên. Cụ thể, luồng chính là kênh Quan Chánh Bố chỉ đi được một chiều, còn luồng Định An là luồng phụ nhưng bồi lắng tự nhiên khiến tàu lớn cũng không thể vượt qua. Luồng sông Hậu “mắc cạn”, không những gây thiệt hại trực tiếp cho các cảng biển trong vùng mà còn khiến hàng hóa “quay đầu” chuyển lên TP Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây...

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG - Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: Luồng Định An bị cạn hàng năm do đó cái vùng ĐBSCL với sản phẩm lúa thủy sản và trái cây và nông sản rất lớn do đó cái tàu 5, 7 ngàn tấn không vào được Cần Thơ vào luồng Định An nầy hầu như là 70% các hàng nông sản xuất khẩu của ĐBSCL lên cảng TPHCM và Các Lái với sản lượng như vậy ảnh hưởng đến chi phí nông dân và doanh nghiệp tăng.”

Theo Bộ GTVT, khu vực cấp thiết nhất cần nạo vét là 29 km cửa Định An với chi phí khoảng 1.050 tỷ đồng/lần nạo vét. Nếu nạo vét để đạt chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải 10.000 tấn vào Cảng Cái Cui, Cần Thơ thì chi phí khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/lần nạo vét. Dự án được Bộ giao thông Vận tải đưa vào danh mục kêu gọi xã hội hoá từ lâu, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia. 

Ông NGUYỄN XUÂN SANG - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Chúng tôi đã đưa tuyến luồng này vào danh mục kêu gọi xã hội hoá nạo vét, tuy nhiên từ đó đến nay cũng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm, lý do thì tôi cho rằng có thể do tính chất đất lắng ở khu vực này, chủ yếu là bùn, nên nguồn thu từ việc sử dụng các vật chất sau nạo vét không bù đắp được chi phí nạo vét nên không hấp dẫn nhà Đầu tư.”

Để khắc phục những tồn tại còn bất cập trong vận tải đường thuỷ trên luồng sông Hậu, nhiều ý kiến cho rằng trước mắt thành phố cần quan tâm phát triển về đường bộ và đường thủy.Việc kết hợp sử dụng luồng hàng hải kênh Quan Chánh Bố và luồng hàng hải Định An (sông Hậu) một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu sẽ phát huy vai trò của vùng.

Đại biểu NGUYỄN CÔNG LONG - ĐBQH Đồng Nai: Quốc hội lần này thông qua nội dung trong đó dành cho cơ chế rất đặc biệt về ưu đãi về thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuê đất để tạo ra điểm nhấn, hút các nhà đầu tư tham gia vào dự án này. Và việc nạo vét lòng tuyến của luồng hàng hải phải đảm bảo cho việc lưu thông lòng tuyến trên 10 ngàn tấn và có dự án đầu tư phải trên 500 tỷ. Điều này tạo ra cú hích rất quan trọng cho ĐBSCL, khơi thông logictic, tạo ra sức hút đầu tư, giảm chi phí về logictic từ Cần Thơ đi các vùng và xuất khẩu toàn thế giới.”

ĐBSCL từng được biết đến với dự án luồng sông Hậu, một công trình hàng hải trọng điểm của ngành giao thông vận tải có quy mô lớn nhất từng được triển khai với tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, mục tiêu thông qua 21 đến 22 triệu tấn (hàng hóa tổng hợp) và 450 đến 500 nghìn TEU/năm (công-ten-nơ) vào năm 2020… nhưng mục tiêu đó đang trở thành thách thức, còn rất xa vời.

KẾT NỐI HẠ TẦNG GIAO THÔNG CHƯA ĐỒNG BỘ, BẤT CẬP TRONG LIÊN KẾT VÙNG 

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh, phát sinh nhiều điểm nghẽn ở các chốt kiểm dịch lưu thông ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng hóa, vật tải ra vào khu vực sản xuất. Cùng với đó, do điểm nghẽn giao thông thuỷ, nhất là tại khu vực phía nam dẫn tới chi phí vận tải đường bộ tăng cao, doanh nghiệp không đặt được tàu và công-ten-nơ để xuất khẩu, tác động đến tiến độ lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá nông sản, nhiều loại trái cây khó tiêu thụ…

PGS.TS TẠ VĂN LỢI - Viện trưởng Viện thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh Tế Quốc dân: Câu chuyện chi phí logictic ở Việt Nam đắt nhất trên thế giới, chiếm khoảng 20% GDP trong phần chi phí vận chuyển. Vì vậy theo tôi, đầu tiên chi phí logictic sẽ giảm, thư hai là thuận lợi hóa cho việc cung cấp ngược trở lại logictic dịch vụ cho toàn bộ khu vực đồng bằng này sẽ được thuận lợi hóa hơn. Chúng ta sẽ chuyển về các trung tâm logictic này để lưu trữ và bảo quản rẻ hơn và để chở xuất khẩu cũng như tiếp nối ra những cung đường khác.”

Với diện tích hơn 1.400 km2, hơn 1,2 triệu dân. TP Cần Thơ, Trung tâm ĐBSCL với nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa phát huy hiệu quả để thực sự đưa Cần Thơ phát triển trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng. Ngoài ra, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ là điểm nghẽn đối với sự phát triển của Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL.

Ông LÊ QUANG MẠNH, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: Đây là vấn đề chúng ta muốn nhấn mạnh hơn trong thiết kế xây dựng chính sách, quan tâm đến vai trò Nhà nước làm gì và doanh nghiệp làm gì. Chúng ta chỉ quan tâm Nhà nước đáp ứng 10-15% là hợp lý còn lại chúng ta phải được 85% đến 90%  từ doanh nghiệp từ người dân thì chúng ta mới trở thành trung tâm kinh tế được. Còn nếu ta dựa vào Nhà nước thì chúng ta chỉ dừng lại mức độ bình bình như hiện nay”

NGHỊ QUYẾT CƠ CHẾ ĐẶC THÙ – CÚ HÍCH MẠNH MẼ CHO CẦN THƠ VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VƯƠN XA

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 1 của QH 15 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết ngoài các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian vừa qua, điểm mới của nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng Cần Thơ. Đồng thời đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án vào trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sảnvùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Đây là cơ sở quan trọng gỡ nút thắt về luồng hàng hải và tiêu thụ nông sản - 2 lĩnh vực mũi nhọn của TP.Cần Thơ cũng như ĐBSCLthời gian qua.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Quốc hội quyết định thí điểm thêm hai chính sách đặc thù quan trọng khác về thu hút đầu tư xã hội hoá việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ và ưu đãi đối với các dự án đầu tư trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm. Từ đó, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logictis, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.”

Theo Chính phủ, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là khu vực được thành lập để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện,có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sản xuất, sơ chế, chế biến tại Trung tâm. 

Bà TÔ ÁI VANG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Khu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là lời giải cho bài toán khó không chỉ thành phố Cần Thơ mà còn cho toàn vùng được xem là một trong những giải pháp mang tính chiến lược khắc phục dần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của từng địa phương, từ đó giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào lợi ích chung của khu vực.”

Ông TRẦN HÙNG - Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh, TP. Cần Thơ: Tôi kỳ vọng cơ chế đặc thù nầy chắc chắn sẽ góp phần cho TP Cần Thơ phát triển thành phố Cần Thơ phát triển cũng đồng nghĩa là giữ vai trò trung tâm ĐBSCL đó là điều chúng tôi hết sức kỳ vọng và tin tưởng Đảng bộ nhân dân thành phố chung sức thực hiện bằng được cơ chế đặc thù mà Quốc hội dành ưu tiên đặc biệt trong thời gian tới”

Nghị quyết được cho là sẽ tạo nguồn lực cho thành phố đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự kiến, Cần Thơ sẽ thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm kể từ ngày 1/3/2022 tới được nhận định là cú hích cho Cần Thơ phát triển xứng tầm.

Kim Yến