• 1279 lượt xem
  • 04:26 24/04/2023
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Thế giới gấp gáp thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam nếu chậm chân sẽ mất lợi thế cạnh tranh

Bắt đầu từ năm sau nghĩa là chỉ còn có 8 tháng nữa, các quốc gia lớn trên thế giới sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR trở lên.

>> Dự luật thuế tối thiểu toàn cầu: Chính phủ chưa trình, Quốc hội yêu cầu bổ sung

Để dễ hiểu về thuế tối thiểu toàn cầu, có thể lấy 1 ví dụ như thế này: 1 Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi là 10%. Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì Tập đoàn này phải nộp thêm mức chênh lệch giữa 15% và mức thuế đang phải nộp 10%, tính ra là 5%, về nước đóng trụ sở là Hàn Quốc. Như vậy, các ưu đãi thuế Việt Nam đang dành cho nhà đầu tư nước ngoài không còn ý nghĩa và môi trường đầu tư của nước ta có nguy cơ giảm tính hấp dẫn.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đang được xem là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế khi đóng góp 1/4 vào tăng trưởng GDP và gần 3/4 vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Có thể thấy, doanh nghiệp FDI là đối tượng chịu tác động trực tiếp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Tuy nhiên, tác động gián tiếp sẽ là hàng loạt chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trong nước với hàng trăm nghìn lao động.

Trong lúc chúng ta còn đang bàn thảo các chính sách thích ứng thì hầu hết các nước phát triển và cả các nước đang phát triển – các đối thủ cạnh tranh thu hút FDI với chúng ta, đều đã nhanh chân công bố kế hoạch áp dụng hoặc hoàn thành quy trình sửa đổi luật để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu và đề thu thuế bổ sung từ các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu từ năm tài chính 2024.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Cao Hoàng